Xây dựng sản phẩm du lịch xanh – bền vững tại Cố đô Huế theo Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch xanh – bền vững theo Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham gia thực hiện các bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN góp phần giúp điểm đến tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, có cơ hội tiếp cận giải thưởng du lịch uy tín quốc tế nhằm nâng tầm thương hiệu, phát triển du lịch bền vững và kích cầu du lịch. Đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu điểm đến Cố đô Huế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; đồng thời, khẳng định chất lượng chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường và mang đến lợi ích cho cộng đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng du lịch cố đô theo chuẩn du lịch ASEAN, năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tích cực tham gia, rà soát, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nỗ lực triển khai áp dụng bám sát bộ tiêu chuẩn Du lịch ASEAN và đáp ứng các tiêu chí khắt khe của cuộc thi Giải thưởng ASEAN để xây dựng hồ sơ đăng kí dự thi giải thưởng và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế điểm đến Cố đô Huế, du lịch Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2022 diễn ra tại Campuchia vào tháng 01/2022, “Cố đô Huế – 1 điểm đến 5 di sản” được Ban tổ chức ASTA (ASEAN Sustainable Tourism Award – Giải thưởng Du lịch Bền vững ASEAN) trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch Bền vững Thành thị của ASEAN với chủ đề “Du lịch an toàn năm 2022 – 2023”. Giải thưởng Du lịch an toàn ASEAN nhằm tôn vinh và góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao của khu vực năm 2022-2023. Danh hiệu này, cùng với những kết quả đạt được và vị thế đã được khẳng định, trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, Di sản văn hóa Huế sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, phát triển du lịch bền vững và an toàn của Cố đô Huế.

Di sản văn hóa Huế là một trong những tài sản vô giá trong kho tàng Di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, là những phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa Huế, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng Di sản văn hóa nhân loại. Huế là nơi tập trung những Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng đang được bảo tồn, khai thác và phát huy một cách có hiệu quả.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế sở hữu 5 danh hiệu Di sản thế giới thuộc 3 loại hình khác nhau: Quần thể di tích cố đô Huế (Di sản vật thể, 1993), Nhã nhạc cung đình Huế (Di sản phi vật thể, 2003), và 3 Di sản tư liệu thế giới là: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Ngoài ra, cố đô Huế còn đồng sở hữu 2 Di sản thế giới khác là Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ và Nghệ thuật hát Bài Chòi. Bên cạnh đó, Huế là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, còn được thiên nhiên ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ và thu hút.

Công cuộc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tại cố đô Huế đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch – dịch vụ. Việc khai thác các dịch vụ để phát triển du lịch trong các di tích luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hóa với việc khai thác phục vụ du lịch.

Quần thể di tích Cố đô Huế đã và đang được trùng tu, tôn tạo và khôi phục, nhiều sản phẩm dịch vụ mới có thương hiệu được hình thành trên cơ sở phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của các điểm tham quan và làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chính vì thế, trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung, Huế là một điểm đến với nhiều dấu ấn và bản sắc rất riêng biệt, là nơi du lịch và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 “Cố đô Huế – 1 điểm đến 5 di sản – Điểm đến xanh, an toàn, thân thiện” không chỉ là thương hiệu vốn có của riêng Huế trên phương diện bảo tồn di sản mà còn là sản phẩm mới cho ngành du lịch – dịch vụ của vùng đất Cố đô. Với sản phẩm du lịch bền vững “Cố đô Huế – 1 điểm đến 5 di sản- Điểm đến xanh, an toàn, thân thiện”, Huế sẽ tiếp tục khai thác và phát huy tốt các kho tàng di sản vô giá mà tiền nhân đã trao truyền lại, ưu tiên tính an toàn, gìn giữ di sản, nâng cao chất lượng du lịch Cố đô theo chuẩn ASEAN thông qua việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bền vững tại khu di sản Huế, lấy chất lượng bù số lượng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Thừa Thiên Huế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend