(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã chia sẻ những khó khăn cùng các giải pháp khi tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, trong quá trình triển khai tỉnh gặp một số khó khăn sau:
Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN về Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Du lịch bền vững khó áp dụng trên địa bàn tỉnh do một số bộ tiêu chuẩn được ban hành sau khi cơ sở vật chất đã hoàn thiện, việc bổ sung các nội dung không được đồng bộ, đòi hỏi cần có thời gian triển khai và nguồn lực thực hiện.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường tự nhiên, văn hóa như: phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trong thời gian qua đã gây những sức ép đến môi trường tự nhiên do hoạt động giải phóng mặt bằng và san ủi đất để xây dựng các công trình, vứt rác bừa bãi, xả nước thải chưa xử lý vào môi trường; nguy cơ các công trình, di tích có giá trị về văn hóa, du lịch bị phá hủy khi du lịch ngày càng phát triển; một số tập tục văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, biến tướng; tính cộng đồng bị chia rẽ vì lợi nhuận… rất khó cho việc xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN.
Sở cũng đã đề ra những giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các ứng viên tham gia giải thưởng du lịch ASEAN hàng năm là:
Tăng cường công tác tuyên truyền tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các ngành có liên quan đến du lịch.
Cần quy định cụ thể dự án du lịch, dịch vụ khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm có thể tham gia thực hiện đầu tư. Chính sách ưu đãi về tài chính được tập trung vào các ưu đãi về nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư như thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất nhập khẩu; chính sách hỗ trợ liên quan đến đất đai.
Ngoài ra, thu hút các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc; các dự án du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; thu hút đầu tư hạ tầng du lịch (như các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí và các công trình thương mại, dịch vụ đa năng khác…) theo hướng tiếp cận các cụm, ngành du lịch của tỉnh.
Hơn nữa, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch, thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động. Tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh các địa phương trong cả nước. Ban hành chính sách khuyến khích du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch xanh như “tour du lịch xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”…
Trung tâm Thông tin du lịch