Giải pháp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa ở bản Lác để phát triển du lịch cộng đồng bền vững của Homestay bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình

(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Cham Spa & Massage (Đà Nẵng) đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải giáp Giải pháp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa ở bản Lác để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đặc biệt là danh mục Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay) ở bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.

Từng là địa điểm đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi phía bắc Việt Nam, bản Lác – Mai Châu được ví như điểm đến hấp dẫn hàng đầu để du khách khám phá đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái Mai Châu. Tuy nhiên, việc khách du lịch tăng cao khiến bản Lác phải gia tăng số lượng cơ sở lưu trú để đảm bảo sức chứa, khiến cho bản Lác thay đổi diện mạo nhanh chóng. Sức ép về số lượng khách du lịch đã dẫn đến nhiều thách thức cho bản Lác. Một trong những hệ quả ấy là sự biến dạng không gian cư trú truyền thống, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa vật thể của bản. Để đón được nhiều khách du lịch, từ đó tăng thêm nguồn thu cho gia đình, các hộ gia đình đã tự ý cơi nới, mở rộng ngôi nhà sàn truyền thống. Các mái nhà sàn được kéo dài và phủ bằng mái tôn khiến cho du khách khó nhận ra ngôi nhà truyền thống từ phía bên ngoài khuôn viên.

Bên cạnh sự thay đổi về không gian cư trú truyền thống, các gia đình ở bản Lác cũng không còn duy trì sản xuất nghề thủ công truyền thống như trước. Do nhu cầu mua sắm của khách đến bản vượt quá khả năng cung cấp hàng hóa của người dân địa phương nên họ có giải pháp là mua thêm các mặt hàng thủ công ở nơi khác về bán cho du khách. Các mặt hàng thủ công được mua về không phải do người địa phương làm hoặc đặt hàng nên chúng có nhiều đặc điểm xa lạ về cách chế tác và hoa văn trang trí. Nhiều người bán hàng không thông tin công khai nguồn gốc sản phẩm có thể khiến du khách hiểu chưa đúng về di sản văn hóa trang phục và nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Một vấn đề khác ở bản Lác là việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn (diễn xướng dân gian). Trước đây, hoạt động sinh hoạt dân ca, dân vũ, dân nhạc rất phổ biến ở bản Lác và các địa phương trong huyện Mai Châu. Người Thái ở bản Lác có nhiều bài hát giao duyên, điệu xòe truyền thống… Tuy nhiên, các hình thức nghệ thuật này đang dần bị mai một. Việc người Thái bản Lác tổ chức các điệu múa của dân tộc Mông, Dao, Mường bên cạnh các điệu múa của dân tộc Thái có thể khiến cho du khách, nhất là khách quốc tế khó phân biệt được đặc trưng nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái.

Bản Lác có thế mạnh về nông nghiệp nhưng hoạt động dịch vụ trải nghiệm sinh thái nông nghiệp, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp của du khách với người dân địa phương không được chú trọng. Các tri thức dân gian của người dân địa phương về sản xuất nông nghiệp và ứng xử với tự nhiên dường như chưa được giới thiệu đến du khách và phát huy trong hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng không còn mặc trang phục truyền thống hằng ngày. Việc không mặc trang phục truyền thống khiến cho du khách khó phân biệt được người dân tộc Thái của bản Lác.

Một dấu hiệu cảnh báo về sự phát triển du lịch ở bản Lác chính là số lượng khách du lịch quốc tế ngày càng sụt giảm. Các doanh nghiệp cũng muốn lựa chọn những bản chưa bị phá vỡ quy hoạch để đầu tư xây dựng những khu du lịch chất lượng cao.

Nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đặc biệt là hạng mục Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bản Lác đề xuất một số giải pháp nhất định. Du lịch cộng đồng có mối quan hệ mật thiết với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của tộc người. Loại hình hoạt động du lịch này mang lại cho du khách những trải nghiệm về đời sống văn hóa địa phương, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch để thu được lợi ích từ các hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa của mình. Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng, các địa phương cần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, chia sẻ lợi ích và nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia duy trì thực hành di sản văn hóa. Bằng cách sử dụng các yếu tố của di sản địa phương và bản sắc trong chiến lược du lịch văn hóa, cộng đồng có thể phân biệt các sản phẩm du lịch của mình với đối thủ cạnh tranh và thúc đẩy điểm đến như một nơi mong muốn để sống, làm việc, tham quan và đầu tư, từ đó tạo nên sức thu hút đối với khách du lịch.

Cụ thể, thứ nhất, huyện Mai Châu cần thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý giữa các bên tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục duy trì nguyên tắc đảm bảo sự đồng thuận xã hội; chia sẻ lợi ích; tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương; phát huy quyền làm chủ, sự tham gia của người dân vào hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người cũng như tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ hai, thành lập tổ chức bộ máy quản lý khu du lịch cộng đồng tại xã Chiềng Châu, trong đó có chức năng thực hiện công tác bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, đảm bảo sự tham gia vai trò của cộng đồng người dân địa phương trong bộ máy tổ chức. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa – du lịch, đặc biệt là lĩnh vực quản lý di sản văn hóa ở các cấp huyện, xã, bản có dự án du lịch cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý di sản văn hóa cho các đối tượng tham gia hoạt động văn hóa và kinh doanh du lịch cộng đồng ở bản Lác.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn triển khai dự án du lịch cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu của người dân đối với di sản văn hóa tộc người Thái bản Lác, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động thực hành và bảo vệ di sản văn hóa. Xây dựng và phổ biến các bộ tài liệu công cụ hướng dẫn cho người dân, khách du lịch, doanh nghiệp, cán bộ thực hiện bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tộc người trong phát triển du lịch cộng đồng. Chọn lựa, làm rõ những đặc điểm khác biệt trong văn hóa của cộng đồng địa phương, sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng của bản với du lịch cộng đồng các địa phương khác để tuyên truyền, giới thiệu nhằm tạo ra hiệu quả thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ tu bổ tôn tạo di tích, danh thắng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở bản Lác và khu vực phụ cận. Lồng ghép chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn với hoạt động bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người ở đây. Đặc biệt, cần khuyến khích người dân trong bản khôi phục và giữ gìn nhà sản theo kiểu truyền thống, tạo không gian thoáng đãng quanh nhà.

Thứ năm, tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặc biệt là yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh khai thác giá trị di sản ngữ văn dân gian, nội dung truyền thuyết ở các danh lam thắng cảnh trên địa bàn cộng đồng tộc người sinh sống đưa vào khai thác du lịch. Xây dựng và triển khai đề án đưa vào khai thác giá trị tập quán xã hội, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian, âm nhạc dân gian, tri thức dân gian… phục vụ du lịch. Thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với việc khai thác phát triển du lịch bản Lác. Xây dựng và triển khai đề án phát triển các loại hình trò chơi dân gian gắn với phát triển du lịch tại cộng đồng.

Có thể nói, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần làm tốt công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tộc người. Điều này không chỉ giúp tạo ra sự phát triển cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương mà còn đem đến ý nghĩa lớn trong việc ổn định đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường trong khu vực.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend