Công tác triển khai và những kết quả đạt được đối với Giải thưởng Du lịch ASEAN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo về công tác triển khai và những kết quả đạt được đối với Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.

Tình hình triển khai và những kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng đối với Giải thưởng Du lịch ASEAN

Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc độc đáo, có điều kiện tự nhiên thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng. Đồng thời là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn, với độ che phủ rừng chiếm trên 60% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng của tỉnh Lâm Đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và các đặc trưng văn hóa của vùng cao nguyên. Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng và đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Xác định mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tích cực triển khai các quy hoạch, chiến lược du lịch đã được Chính phủ phê duyệt; trong đó, tập trung xây dựng Đà Lạt – Lâm Đồng trở thành một trong những đô thị du lịch “xanh” của cả nước cả về môi trường cảnh quan và môi trường xã hội với các sản phẩm du lịch “xanh” dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: du lịch sinh thái gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch hội thảo – hội nghị; du lịch gắn với huấn luyện thể thao; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao…

Với các chính sách về ưu đãi đầu tư, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được trên 120 dự án du lịch, đa số các dự án tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Một số mô hình khu du lịch sinh thái tiêu biểu của tỉnh thường xuyên được đầu tư, nâng cấp và bổ sung sản phẩm mới, hoạt động có hiệu quả như: mô hình du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và Khu du lịch Rừng Madagui; mô hình du lịch tham quan kết hợp với nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; mô hình du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm tại khu du lịch Lang Biang, thác Đatanla…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 03 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh du lịch khác tạo nên sự phong phú, đa dạng đối với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 3.004 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 37.790 phòng; trong đó, có 452 khách sạn từ 1 – 5 sao với 12.985 phòng (gồm 44 khách sạn cao cấp từ 3 – 5 sao với 4.258 phòng; 408 khách sạn từ 1-2 sao với 8.727 phòng). Đặc biệt có nhiều khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn thành phố Đà Lạt và khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được đầu tư, hoàn thành đưa vào phục vụ du khách. Ngoài ra, hệ thống lữ hành – vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 64 đơn vị kinh doanh lữ hành – vận chuyển du lịch, trong đó có 31 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Với nỗ lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, thời gian qua thành phố Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều giải thưởng như Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4, Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018 và 2022, Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Đà Lạt đạt Giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN 2012, Giải thưởng Tòa nhà năng lượng nhiệt đới ASEAN năm 2010; Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Đất Xanh đạt danh hiệu khách sạn xanh ASEAN giai đoạn 2016 – 2018; Năm 2020, khách sạn nghỉ dưỡng Terracotta Dalat đạt giải Khách sạn Xanh ASEAN lần thứ 7; Năm 2022, khách sạn Dalat Palace đạt giải Địa điểm tổ chức MICE ASEAN ở hạng mục địa điểm triển lãm, sự kiện,…

Công tác triển khai các tiêu chí của Bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN

Để đạt được những giải thưởng như trên, thời gian qua, cùng với sự đồng thuận, thống nhất cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển theo hướng chất lượng cao chuyên nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát huy lợi thế về cảnh quan môi trường địa phương, phấn đấu đạt được các tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN về: Quản lý môi trường chung; Đường phố sạch sẽ, vệ sinh; Quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; Chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; Nhiều không gian xanh; Có các điều kiện tốt bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; Hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn; Chính sách và các biện pháp môi trường trong hoạt động của khách sạn…

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng chú trọng đến công tác lập, trình duyệt quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển theo quy hoạch chung và quy hoạch ngành. Các công trình được thực hiện bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Nhiều biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ, tôn tạo các danh lam thắng cảnh được tăng cường. Thường xuyên chỉ đạo UBND các huyện/thành phố ra quân chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường địa bàn; chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức ra quân, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán hàng rong, chợ tạm; huy động đoàn viên thanh niên tổ chức ra quân tham gia nhặt rác tại các khu vực trung tâm, công viên, tuyến suối, tẩy xóa các thông tin quảng cáo, rao vặt trên cột điện và cây xanh; thực hiện nâng cao ý thức về xử lý rác thải đối với học sinh trên địa bàn, bằng các hình thức tuyên truyền, như hoạt động “Đổi rác lấy quà”, xây dựng mô hình phân loại rác thải ngay tại lớp học và khu dân cư; bố trí các thùng rác thẩm mĩ, hợp lý; bảo trì, vận hành tốt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng bảo đảm ánh sáng cho thành phố, vùng ven; các khu điểm tham quan du lịch, các điểm dừng chân, mua sắm, ăn uống…

Triển khai Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 nhằm hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch; xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, chú trọng việc đầu tư nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tính đến nay, các khu điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 200 nhà vệ sinh đạt chuẩn đáp ứng tiêu chuẩn theo Quyết định 225/QĐ-TCDL của Tổng cục Du lịch. Công tác xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng được đẩy mạnh. Riêng thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng đã tiếp nhận từ công ty TNHH Quảng Thái 05 công trình nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn, khang trang, chất lượng với giá trị đầu tư gần 6 tỷ đồng và 01 nhà vệ sinh công cộng của ngân hàng thương mại cổ phần thương tín Sacombank trị giá 800 triệu đồng.

Các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo qui định của pháp luật bảo vệ môi trường. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch có nước thải ra môi trường thực hiện xử lý bước đầu các chất dầu, mỡ và thải ra môi trường thông qua hầm tự hoại hoặc trực tiếp vào hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung; tăng cường sáng kiến ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ du lịch tới môi trường. Song song đó, triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục kết hợp kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm, nhờ đó ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp và mỗi người dân ngày càng được nâng cao.

Các phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp” cũng được tỉnh duy trì tổ chức hàng năm và phát động sâu rộng đến từng khu dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có đặc biệt là các diện tích rừng cảnh quan, rừng đầu nguồn; đẩy mạnh việc trồng rừng trồng cây phân tán, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Để thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường của người dân nói chung và những đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ nói riêng, Lâm Đồng luôn chú trọng, định hướng phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh, gìn giữ và bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch. Đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và tiêu chuẩn Khách sạn Xanh ASEAN tại các cơ sở lưu trú du lịch; đánh giá hàng năm để nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phát triển du lịch xanh…

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng triển khai đồng bộ Quyết định số 718/QĐ- BVHTTDL ngày 02/3/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc việc Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thông qua các hoạt động như: Tổ chức Lễ phát động triển khai Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với Chủ đề: “Du lịch Lâm Đồng: Văn minh – Thân thiện – An toàn” vào ngày 12/11/2017 tại Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt; in ấn và phân phối các tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; tổ chức Hội thi ứng xử văn minh du lịch Lâm Đồng năm 2019,… Ngoài ra, ngày 04/4/2022 UBND thành phố Đà Lạt ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt nhằm góp phần giữ gìn phong cách hiền hòa, thanh lịch và mến khách theo chuẩn mực trong ứng xử của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đồng thời phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Đà Lạt, góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển, trở thành “thành phố đáng sống”.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend