Xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)

Sáng 05/9, đoàn công tác UBND Tp. Hồ Chí Minh do đồng chí Phan Văn Mãi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 7 tháng đầu năm 2022 và giải quyết kiến nghị của UBND huyện Cần Giờ.

4/16 chỉ tiêu đạt cao hơn mức kế hoạch

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho biết, đến cuối tháng 8/2022, huyện Cần Giờ có 4/16 chỉ tiêu đạt cao hơn mức kế hoạch, 2/16 chỉ tiêu đạt bằng mức kế hoạch, 10/16 chỉ tiêu đang thực hiện; Tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 45,2%. Đặc biệt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước đến tháng 8 đạt 230,5 tỷ đồng, vượt 27,4% dự toán năm và tăng 81% so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục hành chính có bước cải tiến, khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn và kéo giảm tỷ lệ hồ sơ đất đai giải quyết trễ hạn từ 7,8% cuối năm 2021 xuống 1,2% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Đồng chí Lê Minh Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Để tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, duy trì tốc độ phục hồi kinh tế đến cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch năm 2022, đồng chí Trương Tiến Triển cũng cho biết, UBND huyện đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế – xã hội đến cuối năm… Đồng thời, xây dựng các giải pháp nâng tầm du lịch tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, không chỉ số lượng du khách mà còn tính đến giá trị nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc địa bàn biên giới biển, cửa ngõ vào TP.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tiến Triển kiến nghị thêm 14 nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đầu tư, văn hóa – xã hội và quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ. Cụ thể, kiến nghị UBND TP kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 để tạo điều kiện triển khai các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và TP, tập trung tận dụng, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội; từng bước xây dựng huyện Cần Giờ trở thành Tp. Cần Giờ, một TP xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, phát triển mạnh về nghỉ dưỡng, dịch vụ chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực.

Đồng thời, sớm xem xét, phê duyệt Dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn đảm bảo quốc phòng – an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện để huyện Cần Giờ tập trung huy động các nguồn lực tạo sự đột pháp về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quốc phòng – an ninh; khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng thế mạnh rừng và biển, thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người nhân dân, đưa Thạnh An trở thành xã đảo xanh, sạch, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng – an ninh gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phát triển xã đảo Thạnh An trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, phát huy vai trò của về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cho phép UBND huyện Cần Giờ được sử dụng địa danh Cần Giờ để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Cần Giờ cho sản phẩm tôm nước lợ, hàu và dừa nước Cần Giờ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm tôm nước lợ, hàu và dừa nước; đồng thời kiến nghị xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng chí Trương Tiến Triển kiến nghị UBND TP sớm xem xét có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với chính sách hỗ trợ của dự án Xây dựng đường vào, hàng rào dự án trùng tu khu di chỉ Giồng Cá Vồ, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ làm cơ sở triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết giám sát kết thúc dự án đầu tư đối với dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng phòng khám đa khoa Bình Khánh – An Nghĩa và đề nghị Sở Xây dựng sớm thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư bổ sung chi phí bồi thường, hỗ trợ vào cơ cấu tổng mức đầu tư Xây dựng Phòng khám đa khoa Bình Khánh – An Nghĩa…

Ý kiến thêm, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng mong muốn TP tiếp tục chỉ đạo các sở ngành sớm tham mưu UBND TP xem xét, phê duyệt Phương án đầu tư Khu kinh tế đêm phục vụ du lịch trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, TP sớm phê duyệt, ban hành Kế hoạch bố trí và phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn TP đến năm 2025 để làm cơ sở cho huyện triển khai thực hiện quản lý nhà nuôi chim yến trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Cần định hướng phát triển du lịch xanh

Phát biểu tại buổi làm việc, đa số các đại biểu cho rằng huyện Cần Giờ tiếp tục thực hiện các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho ngành du lịch, trong đó ưu tiên các hoạt động, sản phẩm tạo ra thu nhập trực tiếp cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Tiến Triển báo cáo tại buổi làm việc

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện Cần Giờ trong 7 tháng đầu năm 2022đã đạt những kết quả tích cực, nhất là thu ngân sách nhà nước; đạt và vượt 6/16 chỉ tiêu đã đề ra. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hồ sơ tồn đã giảm so với năm 2021, đặc biệt là những loại hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai. Điều này cho thấy huyện đã nỗ lực tập trung vào công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đưa công nghệ vào các công việc hành chính góp phần giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức của huyện và giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, huyện Cần Giờ là địa bàn xa trung tâm thành phố, đi lại còn khó khăn. Do đó, phương tiện để kết nối gần nhất là Internet, cũng như giải quyết các công việc, không tốn nhiều thời gian công sức di chuyển đi lại. Đồng thời, đây là phương tiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin cũng như tiếp cận với các thủ tục hành chính. Đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu huyện tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông, xây dựng chính quyền điện tử, trong công tác cải cách hành chính, tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị huyện Cần Giờ quyết liệt hơn trong công tác giải ngân đầu tư công, những dự án nào hấp thụ vốn tốt tiếp tục thúc đẩy triển khai, những dự án nào giải ngân 0 đồng, các cơ quan đơn vị cùng phối hợp rà soát, phân tích, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên từng dự án. Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, huyện Cần Giờ phải cố gắng sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công mà TPHCM phân bổ trong năm 2022.

Đối với lĩnh vực kinh tế du lịch, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu huyện tập trung hơn nữa công tác này, nhất là tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến. Trong đó, chú ý đến du lịch xanh để xây dựng sản thẩm du lịch mang đặc trưng riêng của huyện Cần Giờ. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, huyện cần nghĩ đến câu chuyện sẽ không còn phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu bằng xăng mà là các nhiên liệu thân thiện môi trường.

Để mở rộng kết nối giao thông, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thống nhất và đề nghị Sở Giao thông Vận tải tham mưu để UBND TP làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về phát triển tuyến phà biển từ Cần Giờ đến huyện Gò Công Đông.

Liên quan đến quy hoạch chung huyện Cần Giờ, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh đây là gốc của tất cả các vấn đề. Do đó, đồng chí yêu cầu huyện phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc đẩy mạnh việc này, trong đó chú ý đến việc quản lý đất rừng, trong đó phải giữ và phát triển rừng. Đối với diện tích đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản cần phải tính toán, quy hoạch lại cho cân đối và cập nhật vào quy hoạch chung của huyện. Đối với các dự án phù hợp quy hoạch, phù hợp ý tưởng mà đang cấp thiết thì cần phải xem xét từng dự án.

Liên quan đến nhà máy xử lý rác thải, huyện cần tiếp cận đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong đó đối với đề xuất xây nhà máy xử lý rác thải ở xã đảo Thạnh An, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, có thể sử dụng ngân sách đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa và sớm triển khai nếu có nguồn vốn. Cùng với đó, quan tâm dành quỹ đất để phát triển năng lượng điện sạch như năng lượng điện mặt trời, năng lượng điện gió… Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm xây dựng nhà ở công vụ càng sớm càng tốt.

Long Hồ

Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh – hcmcpv.org.vn – Đăng ngày 05/9/2022

Scroll to Top
Send this to a friend