Thuận lợi và khó khăn trong quá trình tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh Thừa Thiên Huế

(TITC) – Thời gian qua, cùng với toàn quốc gia, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đang trên đà phục hồi sau hai năm ngủ đông vì đại dịch Covid-19.

Trên địa bàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú, với hơn 14.000 phòng và hơn 22.500 giường, trong đó có hơn 200 khách sạn. Các số liệu cho thấy tổng số phòng của các khách sạn từ 3 – 5 sao chiếm tỷ lệ gần 90% trên tổng số các khách sạn có sao. Tuy nhiên, nếu so với các địa phương khác và trong khu vực, tốc độ tăng trưởng của các cơ sở lưu trú cao sao rất nhanh, thì ở Huế số lượng cơ sở lưu trú từ 3 – 5 sao trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít, nhưng nhu cầu lưu trú tại các khách sạn rất lớn.

Về các điểm đến tham quan du lịch, ngoài khu di sản với 15 điểm lăng tẩm, cung điện, đền đài, công trình kiến trúc nổi bật của triểu Nguyễn, tỉnh còn có 15 điểm du lịch cấp tỉnh và hàng chục điểm trải nghiệm gắn với sinh thái, thiên nhiên, nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp… Ngành du lịch tỉnh đã vận động, hỗ trợ truyền thông và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đăng ký tham gia các giải thưởng du lịch trong khu vực và quốc tế trong nhiều năm qua. Kết quả là tỉnh đã có nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch liên tiếp góp mặt trong các giải thưởng quốc tế từ năm 2017 cho đến nay. Đây có thể xem là cơ hội vàng để du lịch Thừa Thiên Huế và các thương hiệu các doanh nghiệp gia tăng sự nhận diện cũng như quảng bá trên phạm vi toàn cầu.

Với mục tiêu quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch quốc gia cũng như tạo cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh, nâng cao khả năng giao lưu và hội nhập quốc tế đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch của Việt Nam nói chung và du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng, hàng năm Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã vận động và hướng dẫn trực tiếp cho hàng chục đơn vị, điểm đến của Thừa Thiên Huế tiến hành rà soát cơ sở vật chất hiện tại và từng bước bổ sung hoàn thiện theo các Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, lập và gửi hồ sơ đăng ký tham gia một số giải thưởng. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã đạt được 07 hạng mục giải thưởng ASEAN với Giải thưởng Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN, Khách sạn xanh ASEAN, Thành phố du lịch sạch ASEAN; Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN.

Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế có được kết quả này là nhờ có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, cũng như các doanh nghiệp du lịch tích cực phối hợp triển khai. Nhằm triển khai tốt việc phổ biến các tiêu chuẩn du lịch ASEAN, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để các địa phương, doanh nghiệp du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về các bộ tiêu chuẩn ASEAN.

Ngoài ra, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chỉ đạo các đơn vị trong ngành thường xuyên đăng tin, bài và quảng bá các tiêu chuẩn du lịch ASEAN trên Trang thông tin điện tử của Sở để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và truy cập. Sở cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo chính quyền các địa phương và nhiều doanh nghiệp du lịch trong tỉnh nhằm hướng đến phát triển du lịch Thừa Thiên Huế xanh và bền vững, vừa đảm bảo tiêu chí hội nhập vừa bảo tồn tính
đa dạng và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu các Tiêu chuẩn ASEAN, tùy thuộc vào tiêu chuẩn nào phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu phát triển bền vững của ngành, sẽ tiến hành triển khai, hướng dẫn các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, đơn vị để đăng ký tham gia ứng cử giải thưởng và hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

Sở cũng đã có tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích lớn của các giải thưởng ASEAN; trong đó nhấn mạnh việc đăng ký tham gia các Giải thưởng này là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương và đơn vị đến với cộng đồng chung ASEAN theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhiệt tình hưởng ứng đăng ký tham gia góp phần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, Sở Du lịch nhận thấy loại hình Du lịch nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê dựa vào cộng đồng ASEAN có một số khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện như sau: Một số tiêu chí không đạt được theo bộ tiêu chuẩn Du lịch ASEAN khi áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, yêu cầu về khóa học cơ bản dành cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phải được xây dựng, mỗi người quản lý và tất cả người đăng ký cung cấp nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phải tham gia và hoàn thành khóa học nhưng hiện nay các cơ sở này hoạt động độc lập, người quản lý chưa được đào tạo bài bản hay chưa quan tâm đến vấn đề tham gia giải thưởng nên khi Sở hướng dẫn cho các cơ sở, người quản lý lại chưa có giấy chứng nhận khóa học này.

Nhận thức về phát triển du lịch bền vững của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa chú trọng ngay từ các hoạt động đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nên quá trình áp dụng các tiêu chí chấm điểm còn bị thiếu và không đạt điểm tối thiểu.

Các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể về quy hoạch chưa được ban hành, việc phải chi cho đầu tư ban đầu khá lớn để phát triển những giải pháp xanh, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng cũng là khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương còn băn khoăn, ngần ngại …

Thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend