Thái Nguyên khơi dậy tiềm năng khu du lịch suối Mỏ Gà

Theo quốc lộ 1B, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 45km, nằm dưới dãy núi Phượng Hoàng hùng vĩ là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng; làng bản đồng bào dân tộc Tày xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với nét văn hóa bản địa mộc mạc đang được khơi dậy để phát triển du lịch, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Tỉnh Thái Nguyên đầu tư, tôn tạo khu du lịch hang Phượng Hoàng để đón du khách.

Dãy núi đá Phượng Hoàng nằm ở độ cao hàng nghìn mét so mực nước biển, được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh trên núi đá, phạm vi bán kính rộng lớn không có cơ sở công nghiệp nào nên khí hậu ở đây trong lành quanh năm, mát mẻ vào mùa hè.

Đặc biệt, trên đỉnh dãy núi là hang Phượng Hoàng rộng lớn, bên dưới là hệ thống hang động-suối nước Mỏ Gà, trước mặt là làng bản đồng bào dân tộc Tày, Nùng mộc mạc, thân thiện, kiến trúc nhà ở truyền thống. Sự kết hợp giữa danh thắng thiên nhiên, văn hóa truyền thống và đầu tư dịch vụ ở đây đã hình thành khu du lịch khám phá, sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.

Trung tâm khu di lịch này là suối Mỏ Gà với vòm hang động trong núi đá rộng lớn, nước trong xanh, mát lạnh chảy ra quanh năm từ trong lòng núi đá, bên dưới tạo ra dòng thác đổ xuống những khối đá lớn tung bọt trắng xóa, rồi tiếp tục uốn lượn qua các ghềnh đá như dải lụa mềm mại, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Nhà sàn truyền thống được phục dựng, bảo tồn tại khu du lịch hang Phượng Hoàng.

Những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39-40 độ C, nhưng khu vực hang động suối Mỏ Gà chỉ chừng 21-22 độ C, trong hang động nhiệt độ còn thấp hơn, giống như “chiếc tủ lạnh” khổng lồ trong lòng núi nên thu hút rất đông du khách nhiều nơi đến tránh nắng, tham quan.

Anh Nông Văn Hồng, đại diện đơn vị quản lý khu du lịch Phượng Hoàng, chia sẻ: Gần đây, có đoàn thám hiểm Vương quốc Anh khảo sát hang động Mỏ Gà, xác định hang này rộng và dài vài trăm mét, có tiềm năng lớn cho du lịch thám hiểm. Cơ quan chức năng của tỉnh đang rất quan tâm loại hình du lịch thám hiểm ở đây. Trong khu vực suối Mỏ Gà rộng gần 2ha, đơn vị quản lý phục dựng, bảo tồn nhiều nhà sàn truyền thống, tổ chức hát then, đàn tính, ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.

Cách suối Mỏ Gà gần 1km, bước lên hơn nghìn bậc lát đá, men theo sườn dãy núi Phượng Hoàng dưới tán rừng lên hang Phượng Hoàng, hang động kỳ vĩ với những nhũ đá lộng lẫy, hình thù phong phú, cũng như một chiếc tủ lạnh khổng lồ trong lòng núi đá, làm cho du khách quên hết mệt mỏi, nóng bức sau gần một tiếng bước trên bậc đá.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai Dương Văn Toản, cho biết: Phượng Hoàng là hang động rất lớn, từng là nơi cất giấu vũ khí, trú ẩn của nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến.

Từ cửa hang Phượng Hoàng nhìn xuống bên dưới là những làng bản đồng bào dân tộc Tày, Nùng với kiến trúc nhà sàn truyền thống, đồng bào thân thiện, mến khách, nét văn hóa đặc trưng, có nhiều sản vật ngon nức tiếng. Vừa qua huyện Võ Nhai khai trương điểm du lịch cộng đồng Phú Thượng để đón du khách, phát triển kinh tế địa phương.

Khách du lịch tham quan hang Mỏ Gà.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyễn Văn Tuyên vui mừng, cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng giai đoạn 2022-2030, trong đó gắn kết với khu du lịch Phượng Hoàng và điểm du lịch cộng đồng Phú Thượng. Đây cũng là động lực thu hút du khách đến với khu du lịch này để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân.

Nguyễn Thắng

Báo Nhân Dân – nhandan.vn – Đăng ngày 28/04/2023

Scroll to Top
Send this to a friend