Nhiều huyện nghèo của Thái Nguyên đã thay da, đổi thịt nhờ phát triển du lịch cộng đồng từ những lợi thế về sản vật tự nhiên, đời sống văn hoá. Vốn là là tỉnh đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp của miền Bắc, tuy nhiên những năm trở lại đây, việc thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” này đã mang đến cho Thái Nguyên nhiều làn gió mới trong thu hút đầu tư.
Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa
Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có địa hình phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất ruộng ít, phần lớn diện tích là đồi núi thấp và núi đá vôi. Với những điều kiện bất lợi như vậy, thu nhập bình quân đầu người thấp và tỷ lệ hộ nghèo của huyện Võ Nhai cao nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Tuy vậy, địa hình phức tạp đã đem đến cho Võ Nhai cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, đồi núi cũng tạo thế mạnh phát triển một số cây ăn quả. Với 70% người đồng bào dân tộc thiếu số, Võ Nhai cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú, tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Các ngôi nhà sàn dân tộc Tày, Nùng được dựng giữa không gian xanh mướt núi rừng thu hút những du khách thích cuộc sống yên bình
Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai cho biết, Võ Nhai là huyện miền núi khó khăn nhất trong 9 đơn vị cấp huyện của Thái Nguyên, cuộc sống của người dân từ trước tới nay phụ thuộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các thôn bản nghèo vùng sâu vùng xa, đời sống của bà con còn rất nhiều vất vả.
Những năm gần đây, nhờ phát triển tốt, na đang trở thành cây đặc sản nổi tiếng của huyện Võ Nhai, với diện tích trồng lớn, năng suất và chất lượng cao, các vườn na có điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Du khách vừa có thể thăm quan và mua na trực tiếp tại vườn, giúp đẩy nhanh xuất khẩu tại chỗ mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Du khách đến Võ Nhai không chỉ trải nghiệm vườn na mà quan trọng hơn là được khám phá những nét thiên nhiên, hang động hùng vĩ với hang Phượng Hoàng, suối mỏ gà, được hòa mình trải nghiệm đời sống, không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, tham gia các trò chơi dân gian, được trực tiếp tự tay đan lát hay làm bánh dày…
Các du khách được trải nghiệm làm bánh do chính bà con dân tộc trong các bản làng hướng dẫn
Không chỉ Võ Nhai, mà ở những huyện khác hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà từng bước được đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên… Nhiều điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá đang thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm có thể kể đến Khu du lịch hồ Núi Cốc, hồ Suối Lạnh, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè, suối Kẹm…
Trong phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn, tỉnh khai thác nhiều tuyến du lịch độc đáo như di tích Lý Nam Đế (TP. Phổ Yên); Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên), Đền Đuốm (huyện Phú Lương); Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa); Di tích Lý Nam Đế; Thiền viện Tây Trúc; Di tích Núi Văn, Núi Võ; Di tích lịch sử 27.7; Khu du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ)…
Số hóa đóng góp tích cực trong phát triển du lịch
Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong về ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi công tác ở nhiều ngành. Không chỉ phát triển các sản phẩm du lịch mới, Thái Nguyên còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phát triển du lịch thông minh. Việc đưa Hệ thống du lịch thông minh vào hoạt động gồm: Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh thainguyentourism.vn; trang du lịch thông minh mythainguyen.vn; App ThaiNguyen tourism hoạt động trên các thiết bị di động đã đem đến những tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Hiện Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh đã cập nhật lên hệ thống dữ liệu hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ, 46 điểm đến, 45 điểm giải trí, 117 nhà hàng, quán ăn, 19 điểm mua sắm. Hệ thống tích hợp công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo, phát triển các tính năng như nhận diện công trình kiến trúc, trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh…
Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương
Du khách có thể dễ dàng tương tác trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tìm thông tin về du lịch Thái Nguyên theo các nội dung như lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, bệnh viện, bến xe, bốt ATM… Những địa điểm này còn được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách thuận tiện tìm đến các địa điểm mong muốn.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đang áp dụng chương trình chuyển đổi số thí điểm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa với trên 100 điểm di tích được định vị, số hóa 2D; triển khai số hóa 3D, ảo hóa (VR) tại khu vực 16 điểm di tích, đồng thời đưa khu Trung tâm dịch vụ ATK Định Hóa lên bản đồ Map 4D.
Những thay đổi tích cực đã đem đến những con số biết nói. Trong 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến Thái Nguyên đạt gần 533.000 lượt, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, Thái Nguyên đã đón khoảng 150.000 lượt khách, trong đó Khu du lịch Hồ Núi Cốc đón trên 40.000 lượt; Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa trên 9.000 lượt khách; Trung tâm Thương mại và Dũng Tân đón trên 25.000 lượt khách; Khu sinh thái Nhà Tôi Thái Nguyên đón khoảng 30.000 lượt…
Riêng về du lịch cộng đồng, bà Phạm Tuyết Bảo, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) cho biết, thời gian qua, Phòng Quản lý du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo Sở và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 25 về phát triển du lịch cộng đồng. Nghị quyết nêu rõ, sẽ hỗ trợ đến 5 tỷ đồng/1 điểm du lịch cộng đồng trong 5 năm.
“Hiện, tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng để tạo sinh kế cho bà con. Như vậy, ngoài ngân sách xã hội hoá, ngân sách tỉnh sẽ chi khoảng 25 tỷ đồng để phát triển 5 điểm du lịch này” – bà Phạm Tuyết Bảo cho hay.
Theo bà Phạm Tuyết Bảo, 5 điểm du lịch cộng đồng này được xây dựng dựa trên 6 vùng của tỉnh, với mỗi điểm sẽ có tiềm năng thế mạnh riêng, như ở Tân Cương có chè, ở Võ Nhai có thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp OCOP gắn với văn hóa bản địa.
Với những nền tảng đã và đang xây dựng, Thái Nguyên tự tin với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, đến năm 2025, đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm.
Tùng Dương
Báo điện tử Đại biểu Nhân Dân – daibieunhandan.vn – Đăngngày 01/10/2022