Phát triển du lịch bền vững tại Di tích Làng cổ Đường Lâm

(TITC) – Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 40km về phía Tây, ở vị trí đắc địa theo thế “Tọa sơn vọng thủy”, lưng tựa vào núi Tản, mặt hướng ra sông Hồng, làng cổ Đường Lâm được biết đến như một “bảo tàng sống” còn lưu giữ những giá trị văn hóa nổi bật của một ngôi làng Việt cổ.

Trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên lịch sử, Đường Lâm còn lưu giữ trong mình hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với mật độ dày đặc, gồm 20 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp thành phố, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống kiểu nông thôn Bắc Bộ và các cổng nhà, ngõ xóm còn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo. Bên cạnh đó là hàng loạt di sản phi vật thể, di sản tư liệu minh chứng cho bề dày văn hóa lịch sử của ngôi làng như: Di chỉ khảo cổ Bến Mả (Văn Miếu) thuộc thời đại Đá mới, hơn 2.000 trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của làng, gia phả của các dòng họ, gia đình, hệ thống bia ký, hoành phi, câu đối cùng một loạt các lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội đình Mông Phụ, Lễ giỗ vua Phùng Hưng, hội vật chùa Ón, Lễ giỗ vua Ngô Quyền… Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này thực sự là khối tài sản có giá trị mà người dân Đường Lâm đã kế thừa, giữ gìn và bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Nếu như phố cổ Hội An (Quảng Nam) và khu phố cổ Hà Nội được mệnh danh là những “bảo tàng lối sống đô thị” thì Đường Lâm được coi là “bảo tàng lối sống nông nghiệp”, không chỉ bởi không gian cảnh quan của một ngôi làng cổ với cây đa, giếng nước, sân đình, những mái nhà cổ, tường đá ong…, mà còn bởi ở Đường Lâm, lối sống thuần nông vẫn hiện hữu rõ nét. Bên cạnh nghề trồng lúa, hoa màu, người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều tri thức dân gian trong các nghề phụ như: Làm bánh chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh chè xanh, tương nếp; nhuộm nâu, chít bùn, may áo tứ thân, năm thân, yếm, áo cánh… Tất cả những dồi dào vốn cổ ấy đều có thể trở thành nguồn lực làm giàu cho tiềm năng du lịch của vùng đất Đường Lâm hôm nay.

Năm 2005, làng cổ Đường Lâm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Với đặc thù là “di tích sống”, việc giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề được đặt ra với các nhà quản lý và người dân và cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Ban Quản lý di tích đã xác định hướng phát triển phù hợp nhất để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm chính là phát triển dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên, giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, phát triển bền vững có thể được hiểu là sự đảm bảo tồn tại lâu dài của di sản cho các thế hệ tương lai nhưng không cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống của con người hiện đang sống trong di sản.

Để đảm bảo tính bền vững, việc quy hoạch, bảo tồn và phát triển du lịch làng cổ Đường Lâm được thiết lập trên cơ sở 4 tiêu chí: bền vững về tài nguyên nhân văn, bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế và bền vững về môi trường.

Tài nguyên nhân văn bao gồm tài nguyên lịch sử và tài nguyên văn hóa. Đối với Đường Lâm, đó là toàn bộ hệ thống di sản của làng cổ với những giá trị lịch sử và giá trị văn hóa, bao gồm cả yếu tố con người. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng nhất vì nó là cơ sở cho sự tồn tại của di sản nên phải được bảo tồn bằng mọi giá. Nguồn tài nguyên này bao gồm những khía cạnh vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời, đó là những mối quan hệ giữa các không gian trong làng (đình, chùa, đền, bến nước…) với các lễ hội làng, giữa không gian chùa với văn hóa ẩm thực đặc trưng (chùa Mía – cơm chay), giữa ngôi nhà dân gian với lối sống đặc thù của người dân địa phương…

Bền vững về xã hội là đảm bảo sự công bằng trong phân phối xã hội, cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội bao gồm sức khỏe và giáo dục, bình đẳng giới, trách nhiệm chính trị… cho con người. Để bền vững về xã hội điều kiện tiên quyết là các hoạt động bảo tồn và phát triển phải vì con người. Nếu không được đối xử một cách phù hợp, chính họ sẽ là những tác nhân chính hủy hoại di sản. Đây là khác biệt cơ bản giữa những di sản đơn lẻ và di sản quần cư (cả đô thị và nông thôn).

Bền vững về kinh tế tức là di sản phải có khả năng tự nuôi sống mình. Bên cạnh những công trình tôn giáo tín ngưỡng đã được xếp hạng còn là hàng trăm ngôi nhà cổ đang đối mặt với sự khắc nghiệt của thời gian. Việc xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lợi thu được từ du lịch đảm bảo hài hòa giữa việc tái đầu tư cho bảo tồn di sản, nâng cao điều kiện sống của người dân địa phương và lợi ích của các nhà đầu tư.

Bền vững về môi trường là phải tôn trọng đặc điểm sinh thái tự nhiên của khu vực, bảo tồn các giá trị cảnh quan, sự đa dạng sinh học và nguồn lực tự nhiên sẵn có của nó, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên trong các làng cổ, ngoài việc bảo lưu hệ thống cây xanh và mặt nước sẵn có, Đường Lâm cần tiếp tục bổ sung những không gian xanh tại một số địa điểm nhất định, trong đó ưu tiên trồng các loại cây bản địa, từng bước phục hồi những rặng tre bao quanh làng – vốn là một nét đặc trưng của làng truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng. Hệ thống mặt nước và cánh đồng xung quanh làng cũng cần được đặt trong chiến lược bảo tồn, để một mặt giúp cân bằng môi trường sinh thái, mặt khác có thể khai thác cho các hoạt động du lịch.

Đường Lâm hiện nay chọn hướng đi là phát triển du lịch cộng đồng mang yếu tố bền vững và đang ngày càng chứng minh đây là một phương thức phát triển du lịch hiệu quả, nó không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương.

Với lợi thế là một vùng quê đậm đặc giá trị di sản với hệ thống di tích dày đặc, là điểm du lịch được đông đảo du khách biết đến, Đường Lâm đang phát triển song song nhiều sản phẩm du lịch như du lịch tâm linh, du lịch di sản là những thế mạnh truyền thống đã được khẳng định thì hiện nay Đường Lâm đang triển khai thực hiện du lịch cộng đồng do chính cộng đồng người dân trong làng phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương.

Về mặt đầu tư, hiện nay nơi đây đang thực hiện mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, hệ thống vệ sinh môi trường, cải tạo các ao hồ cảnh quan, xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng…tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức phục hồi các lễ hội truyền thống, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thu hút du khách. Người dân tại di tích được Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương khuyến khích khôi phục các nghề truyền thống như làm kẹo, làm tương, làm thịt quay đòn, hay bảo tồn các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống… tổ chức thực hiện các loại hình trải nghiệm gắn với gia đình như làm Homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với văn hóa, phong tục tập quán của Đường Lâm như trải nghiệm nông nghiệp, trải nghiệm các nghề phụ truyền thống như làm kẹo, làm tương, làm thịt quay đòn, các hoạt động trồng cấy, thu hoạch nông sản…

Ngoài ra, hiện nay tại Đường Lâm cũng đang xây dựng các không gian sáng tạo trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống như sáng tạo trải nghiệm làm sơn mài, làm gốm, vẽ trên ngói, vẽ trên mo cau…dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân và những người thợ có chuyên môn của làng, tại đây du khách có thể được thỏa sức sáng tạo, thể hiện tính cá nhân hóa trên những tác phẩm thủ công do mình tự làm nên, những sản phẩm này hiện nay đang là một xu thế được đông đảo du khách đón nhận khi đến với Đường Lâm, hiệu quả từ những sản phẩm này là rất lớn vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống đang dần bị mai một hiện nay, lan tỏa giới thiệu những giá trị nghệ thuật thủ công truyền thống tới đông đảo du khách và nhất là giới trẻ hiện nay đồng thời cũng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho các nghệ nhân và người dân nơi đây.

Để thực hiện liên kết các hộ dân làm du lịch trong một cộng đồng làng, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã thực hiện tổ chức thành lập các câu lạc bộ du lịch gắn với từng loại hình nội dung như: Câu lạc bộ phụ nữ bảo tồn làng cổ với 24 thành viên là các chị em phụ nữ tham gia cung cấp hướng dẫn trải nghiệm nghề nông, làm bánh, làm kẹo, tổ chức gian hàng chợ quê…; Câu lạc bộ lưu trú Homestay với 15 thành viên bao gồm các hộ làm du lịch cộng đồng Homestay; Câu lạc bộ các hộ dân làm dịch vụ ăn uống bao gồm 14 hộ dân; cộng đồng không gian sáng tạo với 5 thành viên… Các mô hình câu lạc bộ này được Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đỡ đầu tư vấn, hướng dẫn cách làm, hỗ trợ xúc tiến quảng bá, tổ chức thực hiện sự kiện, kết nối giới thiệu các công ty du lịch, khách du lịch tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch; các câu lạc bộ này có quy chế hoạt động, có phân công thành viên và định kỳ sinh hoạt hàng tháng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thống nhất về giá cả, cung cách phục vụ từ đó xây dựng nên các sản phẩm chung.

Du lịch cộng đồng nơi đây đã góp phần giải quyết việc làm giúp thay đổi cơ cấu việc làm địa phương, đào tạo nguồn lao động tại chỗ, cải thiện chất lượng lao động và giảm di cư từ nông thôn ra các thành phố. Du lịch cộng đồng nơi đây đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo của cộng đồng làng, người dân từ đó không chỉ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp các trải nghiệm du lịch thành công, mà còn phải hiểu các tác động tích cực và tiêu cực của du lịch.

Với những tiềm năng, thế mạnh của mình, Đường Lâm đã và đang phát triển du lịch kết hợp với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và đã đạt được một số thành quả nhất định. Trong 10 năm qua (2013 – 2023), Đường Lâm đã đón hơn 150.000.000 lượt du khách tham quan, trong đó có khoảng 4.000.000 lượt khách quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend