Khó khăn và giải pháp trong quy trình áp dụng tiêu chuẩn ASEAN và tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh Quảng Ninh

(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Du lịch Quảng Ninh đã chia sẻ những khó khăn cùng giải giáp trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn ASEAN và tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.

Trong quá trình hướng dẫn các đơn vị áp dụng tiêu chuẩn ASEAN và tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN, Quảng Ninh gặp một số khó khăn là: các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là khối khách sạn 3 sao trở xuống chưa thực sự quan tâm áp dụng tiêu chuẩn ASEAN trong hoạt động kinh doanh. Việc triển khai áp dụng Tiêu chuẩn ASEAN của Việt Nam đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa đồng bộ, một số bộ tiêu chuẩn chưa được dịch ra tiếng Việt, các đơn vị khó tiếp cận, lúng túng trong việc lập hồ sơ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình xử lý chất thải để đạt tiêu chuẩn ASEAN giá thành cao, cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ gặp khó khăn về tài chính.

Để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch áp dụng bộ Tiêu chuẩn ASEAN vào hoạt động kinh doanh, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, Sở Du lịch Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Bộ Tiêu chuẩn ASEAN thông qua hình thức: đăng tải video clip, tranh ảnh, power point….bằng tiếng Việt – Anh trên website Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương; mở mục tư vấn để giải đáp, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chuẩn và làm hồ sơ giải thưởng ASEAN; tuyên truyền cơ sở được nhận giải thưởng ASEAN trên phương tiện truyền thông; khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa: chai nhựa, cốc nhựa, túi nylon, ống hút,…; kết nối cơ sở sản xuất cung cấp trang thiết bị, vật tư, dịch vụ phục vụ công tác bảo vệ môi trường với doanh nghiệp du lịch, địa phương…

Thứ hai, xây dựng cơ chế hỗ trợ các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ có thể vay vốn lãi suất ưu đãi để xây dựng các công trình xử lý chất thải (có thể thông qua xây dựng quỹ Khách sạn xanh, mở rộng đối tượng thụ hưởng của Quỹ môi trường địa phương/trung ương…); xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí trong bộ Tiêu chuẩn ASEAN, trong đó tập trung rà soát, đánh giá, phân loại và xác định khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện các tiêu chí theo lộ trình.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải, chuyển giao cho các cơ sở; kết nối cơ sở sản xuất trang thiết bị, vật tư, dịch vụ phục vụ công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng.

Thứ tư, bố trí nguồn ngân sách của các địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu công tác bảo vệ môi trường, áp dụng bộ Tiêu chuẩn ASEAN, quy trình lựa chọn ứng viên tham gia giải thưởng du lịch ASEAN.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi, không có phương tiện thu gom, xử lý chất thải, để rác không đúng nơi quy định.

Thứ sáu, hàng năm tổ chức chương trình đánh giá kết quả áp dụng Tiêu chuẩn ASEAN nhằm nhân rộng những đơn vị điển hình tiên tiến trong toàn ngành; tuyên dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân có sáng kiến và thành tích xuất sắc trong phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và đạt giải thưởng ASEAN.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend