Gia Lai đẩy mạnh xây dựng các tour du lịch xanh

Với những tiềm năng du lịch về sắc màu văn hoá độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ, có nhiều thắng cảnh đẹp ít chịu sự tác động của con người, Gia Lai là vùng đất có lợi thế cho phát triển du lịch, đặc biệt nhất là loại hình du lịch xanh, trở về tự nhiên với không gian rộng lớn.

Thời gian gần đây, những điểm đến du lịch của Gia Lai như: Danh thắng Biển Hồ, Núi lửa Chư Đăng Ya, Thác 50, Thác Mơ và làng chài Sê San… xuất hiện với tần suất ngày một nhiều hơn trên các trang mạng xã hội và các trang Web mở bán tour của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, nhiều điểm đến đẹp của Gia Lai đã nổi lên thành điểm du lịch mới hấp dẫn của Tây Nguyên được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến với điểm nhấn là loại hình “du lịch xanh”. Nắm bắt được xu hướng này, Ngành du lịch Gia Lai đã xây dựng các chương trình, đón nhiều đoàn famtrip gồm những doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước, tới khảo sát, kết nối tour thu hút khách đến Gia Lai.

Trong chuyến khảo sát gần đây của gần 30 đơn vị doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tại Gia Lai, Thác 50 ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang đã tạo được ấn tượng mạnh, đánh giá cao của các doanh nghiệp. Các công ty du lịch, lữ hành cho rằng: Không gian thiên nhiên hoang sơ, trong lành, cảnh sắc núi rừng hùng vỹ, được nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới mới Cao nguyên Kon Hà Nừng, chưa có sự tác động, can thiệp nhiều của con người – Thác 50 là một sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh đặc thù cho phân khúc khách trẻ, có sức hút đặc biệt mà không phải địa phương nào của Việt Nam cũng sở hữu được tiềm năng này. Có thể nói, Thác 50 được ví là một “mỏ vàng” của du lịch Gia Lai trong tuơng lai. 

Phát triển du lịch trong bối cảnh hậu Covid-19, với tỉnh Gia Lai thì thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tuy nhiên, có một tín hiệu rất tích cực là nhiều điểm đến của Gia Lai đã nhận được sự đánh giá cao về sức hấp dẫn, tính phù hợp với thị hiếu, thị trường khách Việt và quốc tế trong xu hướng du lịch hậu Covid-19. Gia Lai hoàn toàn có thể liên kết, quảng bá dịch vụ, sản phẩm mới của mình và mở tour đưa vào khai thác một cách hiệu quả. 

Liên quan đến phát triển du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên núi rừng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện dự án đường giao thông xuyên rừng từ huyện Kbang (Gia Lai) đi huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Với quy mô đầu tư cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng rộng trung bình từ 3 – 5m, đường mới bám theo đường mòn cũ không ảnh hưởng đến đất rừng và cây rừng tự nhiên, kinh phí khoảng 15 tỉ đồng. Đây thực sự là một tin vui, nếu thực hiện, dự án sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, giao lưu văn hóa. Tuyến đường xuyên rừng cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của 3 huyện gồm: Kbang (Gia Lai), Kon Rẫy và Kon Plông (Kon Tum) qua quốc lộ 24 và và những thắng cảnh của Gia Lai như thác, rừng, các làng bản địa… đưa đến những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn cho du khách…/.

Phòng Thời sự

Trang thông tin điện tử tổng hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng – lamdongtv.vn – Đăng ngày 03/8/2022

Scroll to Top
Send this to a friend