(TITC) – Nhằm phát triển bền vững du lịch tại Di tích Làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý di tích đã đề xuất một số định hướng, giải pháp thiết thực trong thời gian tới.
Về định hướng thị trường khách, đối với khách du lịch nội địa, tập trung vào các đối tượng khách có nhu cầu học tập nghề truyền thống, nghiên cứu lịch sử, văn hóa bản làng, hướng tới nông thôn Việt cổ; các đối tượng khách quan tâm đến các đặc sản của làng cổ với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tốt cho sức khỏe (như Bánh chè xanh đã được JICA hỗ trợ về kỹ thuật). Đối với khách du lịch quốc tế, tiếp tục khai thác nguồn khách tiềm năng đến từ Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, ASEAN; ngoài ra chú trọng mở rộng thu hút nguồn khách từ Hàn Quốc, Đài Loan.
Về định hướng không gian, tuyến du lịch, phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm gắn với các tuyến du lịch sinh thái lân cận (Vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thác Bạc – Suối Sao…), du lịch tâm linh, văn minh sông Hồng.
Về định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách du lịch, hoàn thiện dịch vụ homestay tại các nhà cổ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách giao lưu, tìm hiểu sâu sắc hơn về đời sống vật chất, tinh thần, ẩm thực của dân làng, có thể khai thác thêm từ các trò chơi dân gian như cờ tướng, hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống như múa Rồng Lân, hát tổ tôm điếm… Đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Làng cổ như: Trải nghiệm làm nghề truyền thống, giao lưu văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống, các “telling story – tour” từ các hướng dẫn viên du lịch bản địa như già làng, nghệ nhân… chú ý đến việc gìn giữ những nét đặc trưng, tinh hoa của không gian cổ; đào tạo, tập huấn các nghệ nhân về kỹ năng truyền đạt, hướng dẫn, giao tiếp với khách du lịch, đặc biệt là ngoại ngữ thông dụng… Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối sản phẩm du lịch Làng cổ với các điểm du lịch lân cận của Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình để hình thành tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn khách du lịch.
Về các giải pháp, hỗ trợ lập kế hoạch chi tiết phát triển du lịch Làng cổ du lịch đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phát triển gắn chặt với bảo tồn. Việc lập kế hoạch nên theo các bước cụ thể: (1) Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ. (2) Xây dựng cơ chế quản lý du lịch cộng đồng tại làng cổ như cơ chế quản lý, cơ chế chia sẻ lợi ich, quy chế phát triển du lịch cộng đồng, lựa chọn đối tác. (3) Cung cấp thông tin du lịch cộng đồng tại làng cổ cho du khách như xây dựng nội dung giới thiệu về giá trị văn hóa và lịch sử của làng cổ cho hướng dẫn viên tại điểm; xây dựng các bảng, biển chỉ dẫn các điểm tham quan, di tích; xây dựng bản đồ/sơ đồ chỉ dẫn du lịch trong và ngoài làng cổ. (4) Nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ du lịch cộng đồng như lựa chọn sản vật/quà lưu niệm để bán cho khách du lịch; xây dựng chương trình dạy nấu ăn món truyền thống của làng cổ, hướng dẫn trồng rau, làm nông nghiệp; xây dựng nội dung thuyết minh, câu chuyện về văn hóa truyền thống của làng cổ; có các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại làng cổ. (5) Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú homestay: xác định nhu cầu lưu trú trên cơ sở tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp; rà soát đánh giá các nhà dân hiện có, có khả năng kinh doanh homestay; đầu tư nâng cấp phòng ngủ, công trình phụ để kinh doanh homestay; hướng dẫn kỹ năng phục vụ buồng, bàn, lễ tân, bếp. (6) Hướng dẫn người dân tổ chức và kinh doanh du lịch cộng đồng. Cải thiện năng lực hướng dẫn, phục vụ, tiếp đón khách du lịch của cộng đồng và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng. (7) Tăng cường bảo vệ làng cổ trước tác động của đô thị hóa và văn hóa hiện đại: Xây dựng quy tắc ứng xử cho khách du lịch; kiểm tra, đánh giá các di sản văn hóa trong làng cổ; hỗ trợ phục hồi và duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống; bảo tồn văn hoá truyền thống và giảm thiểu lai căng văn hoá tới cộng đồng trong làng cổ. (8) Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch: Xây dựng quy chế/quy định và có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong quá trình tham quan làng cổ. (9) Kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch trong làng cổ, bảo đảm mọi hoạt động du lịch phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững và quy định của pháp luật. (10) Nâng cao thái độ ứng xử thân thiện của người dân với khách du lịch, khuyến khích người dân hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch tham quan và tìm hiểu đời sống văn hóa, lối sống và truyền thống tại địa phương.
Bên cạnh đó, công khai thông tin về đề án, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để các cộng đồng chủ động tham gia, tạo diễn đàn cho người dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển du lịch, giúp người dân thấy được vai trò chủ thể của họ trong quá trình ra quyết định và triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án du lịch cộng đồng. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ ban đầu đối với các hộ dân mới tham gia làm du lịch cộng đồng, như: tư vấn kỹ thuật, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch giúp người dân có kỹ năng cần thiết để cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch tốt nhất. Có chính sách tín dụng ưu đãi và các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cho việc phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn di sản tại Làng cổ. Có chính sách khuyến khích, đền bù hợp lý cho việc di dời (nếu có). Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ Làng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, thuận lợi cho việc đón tiếp khách du lịch, trước tiên là bãi đỗ xe, khu dịch vụ giới thiệu, trưng bày sản phẩm, khu WC đạt chuẩn, biển chỉ dẫn tham quan (có thể sử dụng mã QR code), phủ sóng wifi tốc độ cao phủ rộng cả Làng… đặc biệt là tạo dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Đồng thời, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch làng cổ kết nối với điểm du lịch khác thuộc thị xã Sơn Tây và các điểm du lịch của Ba Vì, hình thành tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, tìm hiểu lịch sử, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, tâm linh và giải trí ở khu vực này. Hỗ trợ mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch Làng cổ truyền thống, tạo điều kiện để các nghệ nhân và nhân lực du lịch trong Làng được giao lưu, thăm quan, học tập tại các mô hình phát triển du lịch Làng cổ, phố cổ, du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, chẳng hạn như phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích (Huế), du lịch cộng đồng ở Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La). Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của dân làng về lợi ích trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác phát triển du lịch tại Làng. Tăng cường sử dụng các cuốn sách, ảnh giới thiệu về Làng cổ, tập gấp, bản đồ bằng nhiều ngôn ngữ (do JICA tài trợ xuất bản) tại các sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng. Thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh trên website của Làng, và các tạp chí, báo chuyên ngành; đăng ký thành viên các FanPage, hội, nhóm trên mạng xã hội về du lịch làng nghề trong nước và quốc tế, đăng bài, hình ảnh để trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch, đồng thời quảng bá mạnh mẽ Làng cổ Đường Lâm đến đông đảo các đối tượng.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm cung cấp tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch tại làng cổ và khu vực lân cận. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước, rác thải, giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm tiếng ồn, nhắc nhở, có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc chăn nuôi gia súc, gia cầm tại những điểm lân cận di tích.
Các định hướng, giải pháp nêu trên cần được thực hiện một cách đồng bộ và có giai đoạn, đặc biệt cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết giữa dân làng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm, đáp ứng yêu cầu và nguyên tắc phát triển bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch