(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải pháp khi tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Trong quá trình triển khai các tiêu chuẩn ASEAN, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã gặp một số khó khăn khi nhận thức về phát triển du lịch bền vững của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa được chú trọng ngay từ các hoạt động đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nên quá trình áp dụng các tiêu chí chấm điểm còn bị thiếu và không đạt điểm tối thiểu.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể về quy hoạch chưa được ban hành, việc phải chi cho đầu tư ban đầu khá lớn để phát triển những giải pháp xanh, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng cũng là khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương còn băn khoăn, ngần ngại. Thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững đáp ứng các Tiêu chuẩn ASEAN, nhằm kêu gọi ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào cộng đồng chung, theo Chiến lược phát triển ASEAN, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã đề xuất một số giải pháp cơ bản: Cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, bền vững cho tất các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách. Có những hành động cụ thể trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trong thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp trên phạm vi cả nước.
Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách, định hướng các tiêu chí bảo vệ môi trường cụ thể trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải…; khuyến khích các chương trình bảo tồn, lưu truyền văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du du lịch để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh bắt kịp với xu hướng quốc tế hóa hiện nay. Tăng cường trách nhiệm xã hội của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp du lịch trong quá trình phát triển du lịch để quan tâm nhiều hơn tới việc chia sẻ lợi ích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân địa phương trong quá trình hội nhập ASEAN.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân về phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng tòan diện, phát triển du lịch bền vững; nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; không xả rác bừa bãi, xả rác đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, túi nylon, ống hút,…); phát động phong trào chung tay dọn rác tại khu, điểm du lịch, …
Việc mở cửa thị trường, xu hướng thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của các nước nhằm phấn đấu “ASEAN như một điểm đến du lịch duy nhất” qua việc tăng cường xúc tiến và tiếp thị, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư du lịch, nâng cao khả năng và năng lực về đầu tư cho nhân lực của ngành Du lịch ASEAN, cần đẩy mạnh sự tham gia của khối công tư và của cộng đồng địa phương vào chuỗi giá trị du lịch, đảm bảo cạnh tranh và phát triển trong du lịch mỗi quốc gia dựa trên tính độc đáo và sáng tạo của sản phẩm, giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa và chất lượng môi trường.
Trung tâm Thông tin du lịch