(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Du lịch Khánh Hòa đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải pháp khi thực hiện quy trình tham dự Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Các quốc gia thành viên ASEAN đã xác định việc xây dựng các bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch của khu vực là một giải pháp cần thiết trong lộ trình thúc đẩy đưa ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng.
Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, một trong những thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập. Bên cạnh đó, sự chậm trễ do chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo Luật việc làm cũng như hạn chế trong việc tìm được sự đồng thuận giữa các Bộ, Ngành liên quan đã gây cản trở đáng kể đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch tiếp cận các tiêu chí đánh giá khi đăng ký tham gia Giải thưởng du lịch ASEAN.
Để khắc phục những hạn chế trên, cần tiếp tục phổ biến và sử dụng tài liệu “Hướng dẫn xây dựng chính sách du lịch có trách nhiệm” như một nền tảng cơ bản để biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị, từ đó thu hút thêm nhiều du khách. Mặt khác, cần đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) và Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), đảm bảo nhân lực du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, có kỹ năng để cung cấp dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao năng lực chuyển đổi số, được xác định là một mục tiêu của quốc gia và được chú trọng thúc đẩy trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Gắn với hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong thời gian tới. Tích hợp các thông tin lên website các nội dung liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện và quy trình đánh giá Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để tạo thuận lợi cho việc triển khai, “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống thẻ – vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; kênh truyền thông trên các nền tảng số… Song song đó, các nhà quản lý, các cơ sở kinh doanh du lịch cần chủ động tìm hiểu, học hỏi và hành động, nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn này.
Việc hội nhập sâu rộng trong ASEAN sẽ tiếp tục tác động tích cực với du lịch Việt Nam. Đầu tiên là hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển du lịch và giải pháp ưu tiên phát triển du lịch của Chính phủ, các chính sách nới lỏng về thị thực nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi đi lại trong ASEAN. Tiếp đến là chính sách tạo môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch, thông thoáng hơn; phối hợp liên ngành đã được cải thiện đáng kể và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hội nhập khu vực ASEAN.
Cuối cùng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giới thiệu về các bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN cũng như quy trình chứng nhận là cơ hội tốt để các đơn vị rà soát, đánh giá và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi có cơ hội thuận lợi sẽ triển khai đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN – Giải thưởng uy tín trong khu vực nhằm tôn vinh các đơn vị xuất sắc trong ngành du lịch, tạo cơ hội hưởng lợi cho các bên tham gia nhằm phát triển du lịch bền vững góp phần quảng bá chất lượng dịch vụ và kích cầu du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch