Phương hướng duy trì phát triển các danh hiệu đạt được đối với Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh Lâm Đồng

(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ những khó khăn cùng phương hướng duy trì phát triển các danh hiệu Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, hiện nay bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, thách thức như: việc nhận thức và thực hiện các tiêu chuẩn du lịch ASEAN chưa được đồng bộ; môi trường sinh thái đối với hoạt động du lịch của một số đơn vị kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở quy mô nhỏ, hộ kinh doanh cá thể còn hạn chế, đối phó trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; việc phối hợp với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương còn hạn chế nên các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường triển khai còn chậm và chưa đạt hiệu quả cao.

Để tiếp tục giữ vững và phát triển các danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, “Khách sạn xanh ASEAN” và các danh hiệu khác, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai nhiều nội dung. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tiêu chuẩn du lịch xanh ASEAN để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường phố; quản lý, xử lý tốt chất thải, nước thải; bảo vệ, gìn giữ không gian xanh, chung tay xây dựng Lâm Đồng là điểm đến “An toàn, văn minh và thân thiện”, trong đó nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, lấy người dân làm trung tâm, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng trong mục tiêu và tiến trình phát triển du lịch của tỉnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch dịch vụ, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp của nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát huy danh hiệu Thành phố Du lịch sạch ASEAN.

Song song đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch”, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan nhằm xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững. Triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm vệ sinh môi trường chung; phát triển không gian xanh; đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Nâng cao nhận thức để người dân thấy được lợi ích mang lại từ danh hiệu “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”. Phát huy mỗi người dân là một “sứ giả” thân thiện, thông qua ý thức bảo vệ môi trường cho đến thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh cho ngành du lịch Lâm Đồng.

Phấn đấu khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên sẵn có, chú trọng bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, trồng nhiều cây xanh; đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phát triển theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh tiếp thị nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt – Lâm Đồng.

Tiếp tục tập trung phát triển du lịch theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, không phá huỷ không gian sống, đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo tính bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ để du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức tốt các sự kiện, các lễ hội, các kỳ Festival Hoa và các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch…; đăng cai tổ chức các sự kiện thường kỳ về văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước. Xây dựng các tour tham quan vườn trà, rau, hoa chất lượng cao gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, các địa phương trong nước, tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt quan tâm đến trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, đội ngũ lao động trong ngành du lịch giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, nâng chất lượng của đội ngũ làm du lịch lên trình độ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu và hội nhập. Phát triển mạnh mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Để góp phần nâng cao chất lượng du lịch ASEAN hơn nữa, ngoài 08 bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN đã được ban hành và triển khai áp dụng trong thời gian qua, cần mở rộng thêm các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN đối với các sản phẩm du lịch về khu, điểm du lịch; các sản phẩm về du lịch nông nghiệp… Qua đó góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng như tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch khu vực ASEAN.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend