Một thành phần cơ bản nhưng quan trọng trong ngành du lịch có thể tạo ra hoặc phá vỡ trải nghiệm du lịch là khi khách du lịch phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Những nhà vệ sinh này cần phải sạch sẽ, khô ráo và hợp vệ sinh, đầy đủ với các tiện nghi khác nhau, phụ kiện và cơ sở vật chất, vị trí thuận lợi, được bảo dưỡng tốt và được trang bị một hệ thống quản lý chất thải hợp lý.
Nhà vệ sinh công cộng cũng phải cung cấp các cơ sở vật chất an toàn và dễ tiếp cận cho công chúng ở mức độ riêng tư thích hợp để thực hiện các chức năng vệ sinh cần thiết. Các cơ sở này cũng cần đáp ứng nhu cầu của người dân từ các nền văn hóa khác nhau, mọi giới tính, mọi lứa tuổi và người khuyết tật.
Sự phát triển của APTS (Tiêu chuẩn Nhà vệ sinh Công cộng ASEAN) là một trong những biện pháp phát triển được xây dựng trong khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN (ATPS) 2011 – 2015. Chương trình ATPS 2011 – 2015 cam kết các nước thành viên ASEAN xây dựng và thực hiện các dịch vụ du lịch tiêu chuẩn cần thiết để giúp ASEAN trở thành một Điểm đến Thống nhất Chất lượng. Tổ công tác cho việc thành lập các Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN đã xác định sáu lĩnh vực mà các tiêu chuẩn, yêu cầu và hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cần phải được giải quyết, một trong số đó là Nhà vệ sinh công cộng.(1)
Có rất nhiều loại hình nhà vệ sinh trong khu vực ASEAN với các chuẩn mực và kiểu dáng khác nhau. Ngoài ra, khu vực ASEAN bao gồm các quốc gia có thời tiết nhiệt đới có độ ẩm cao và là quê hương của các tôn giáo khác nhau (ví dụ nghi thức vệ sinh Hồi giáo), các thói quen văn hoá ảnh hưởng đến cách sử dụng nhà vệ sinh (cả thói quen ngồi xổm và ngồi bệt, cả thói quen dùng nước rửa hay lau bằng giấy). Cuốn sổ tay này đã được biên soạn với mục đích thiết lập một tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các cơ sở vệ sinh công cộng trong ASEAN, làm kim chỉ nam để hỗ trợ trong việc thẩm định các Nhà vệ sinh công cộng theo quy định của Tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN (APTS) (như ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2012), nói ngắn gọn là một công cụ để nâng cao chất lượng vệ sinh công cộng và từ đó nâng cao trải nghiệm du lịch.
(1) Các lĩnh vực khác bao gồm: Khách sạn xanh, Dịch vụ Ẩm thực và đồ uống, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Du lịch sinh thái và Du lịch di sản.