Du lịch xanh, chất lượng là lời giải cho du lịch hậu đại dịch; đồng thời mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến, là cách xanh hóa điểm đến, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch.
Xu hướng mới
Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi, họ muốn nhiều trải nghiệm hơn. Họ quan tâm tới những câu chuyện của điểm đến. Xu hướng du lịch đại trà giờ đây cũng không còn được ưa chuộng nữa. Thay vào đó, du lịch bền vững và việc xanh hóa các điểm đến đang là cách tiếp cận mới cho ngành du lịch.
Du khách về trải nghiệm chèo thuyền kayak tại Cát Bà
Theo ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, dịch COVID- 19 đã gây ra sự gián đoạn với ngành du lịch trên quy mô toàn cầu với 90% di sản thiên nhiên thế giới phải đóng cửa. Giờ đây, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, suy nghĩ, cân nhắc về những mô hình mới. Chúng ta không thể quay trở lại trạng thái bình thường trước đây nữa mà phải phát triển các mô hình phát triển bền vững hơn, quan tâm hơn tới bảo tồn thiên nhiên, các di sản và cộng đồng. Du lịch chất lượng, đảm bảo tính bền vững là lời giải cho du lịch hậu đại dịch và cũng mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến, là cách xanh hóa điểm đến, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Còn theo bà Susan Santos de Cardinas – Đại diện và đối tác Đông Nam Á tổ chức Green Destination (Điểm đến Xanh) thì Tổ chức Du lịch Thế giới đã đề cập tới những khu vực du lịch làng quê như một trọng tâm mới và chúng tôi cũng đang thúc đẩy mô hình du lịch này với phong trào phát triển du lịch nông thôn, nơi người nông dân, người dân bản địa được tham gia và phát huy vai trò. Đó cũng chính là tương lai của du lịch.
Hoạt động vớt rác tại Cát Bà để bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh và đang trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành du lịch cũng đặt ra vấn đề phát triển du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ở các điểm đến du lịch trên toàn quốc. Và du lịch xanh không chỉ là một khái niệm mà trở thành một xu hướng, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang Du lịch Bay Nhé cho biết: “những năm vừa qua, khách du lịch đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour, các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên. Nếu những người tham gia vào hành trình trải nghiệm ấy không có cuộc sống xanh, không có văn hoá xanh thì sẽ không trọn vẹn trải nghiệm xanh. Vì vậy, bản thân du lịch xanh còn truyền cảm hứng cho những du khách sau khi trở về nhà sẽ sống xanh hơn”.
Còn theo ông Phan Văn Tùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH du thuyền BHAYA, Công ty đã chủ trương giảm thải tối đa các vật dụng bằng nhựa, túi nilon; thành lập Ban bảo vệ môi trường. Phía công ty cũng đã chuyển sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như cốc thủy tinh, cốc giấy, chai thủy tinh đựng nước, túi giấy, ống hút giấy… Nhờ đó, rác thải nhựa đã giảm 50% so với trước kia.
Giải pháp phát triển du lịch bền vững
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch bền vững. Trong kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 do Chính phủ phê duyệt, du lịch xanh trở thành điểm nhấn phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương.
Thực tế hiện nay, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Như tại Quảng Ninh hay Hải Phòng, hiện nay khai thác du lịch gắn với nói không với rác thải nhựa không chỉ là khẩu hiệu hành động, mà còn là quyết tâm của địa phương trong hành trình phát triển du lịch bền vững.
Quận Đồ Sơn ra quân làm sạch môi trường bãi biển khu III tại Hòn Dấu Resort
Tại Thái Bình, từ khi Luật bảo vệ môi trường được triển khai đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch…; tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho cán bộ văn hóa từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, ban quản lý, hướng dẫn viên các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh.
Ông Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, du lịch biển đảo trong đó có Đồ Sơn và Cát Bà đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP Hải Phòng. Việc phát triển du lịch xanh thông qua các hành động như trồng cây, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường là việc làm thiết thực cho du lịch phát triển ngày một bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh bền vững, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng như doanh nghiệp cần có những động thái góp phần thay đổi nhận thức người dân, khách du lịch, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Khi nhận thức của du khách về du lịch xanh, du lịch bền vững được nâng cao thì sản phẩm du lịch xanh sẽ là xu thế để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp…
Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường…
Hải Ngân
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn – Đăng ngày 05/12/2022