Cùng với nhiều địa phương khác thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang, Việt Yên là một trong những huyện có nhiều tiềm năng thế mạnh để khai thác cho phát triển hoạt động du lịch. Xác định được vai trò, lợi thế đó trong thời gian gần đây huyện đã tích cực nỗ lực phát triển các hoạt động du lịch đặc biệt đối với loại hình du lịch văn hóa cộng đồng và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng tập chung thực hiện trong giai đoạn tới.
Tiềm năng du lịch văn hoá cộng đồng đặc sắc
Nói đến Việt Yên đã từ lâu nổi tiếng khắp gần xa là mảnh đất gắn liền với các làn điệu quan họ cổ. Mỗi khi đến với nơi đây du khách lại có dịp thưởng thức những làn điệu Quan họ mượt mà trữ tình, đằm thắm làm đắm say lòng người. Theo thống kê, trên địa bàn đã có khoảng 20 di tích gắn với không gian diễn xướng Quan họ tại 18 làng Quan họ cổ được bảo tồn, tu bổ tạo không gian sinh hoạt Quan họ đặc sắc cho cộng đồng nơi đây. Các làn điệu quan họ cổ ở Việt Yên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị to lớn đã được UNESCO ghi danh đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, dân ca Quan họ ngày càng khẳng định được các giá trị, cũng như vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá cộng đồng dân cư. Quan họ mang trong mình nhiều giá trị về nghệ thuật về âm nhạc, lời ca; tính cố kết cộng đồng và lưu truyền tri thức dân gian… Với các giá trị to lớn đặc sắc đó, dân ca Quan họ đã và đang được nỗ lực bảo tồn, phát huy và ngày một trở thành sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng hấp dẫn đối với mỗi du khách đặc biệt đối với du khách quốc tế.
Cổng Làng Thổ Hà
Đến với Việt Yên du khách không thể không ghé qua Làng cổ Thổ Hà thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên đã nổi tiếng xưa nay – ngôi làng cổ ven sông Cầu còn lưu giữ trong mình những bản sắc giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Thổ Hà có vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan rất độc đáo. Trong đó, phải kể đến những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII như: đình Thổ Hà, chùa Thổ Hà, Văn chỉ; rồi đến cổng làng; các ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm được xây dựng bằng vật liệu là những sản phẩm nghề gốm hết sức lạ mắt cùng với những ngõ hẹp và dài hun hút rêu phong cổ kính…. Trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, làng cồ Thổ Hà vẫn bảo tồn gìn giữ được các giá trị di sản văn hóa phong phú đa dạng. Với những giá trị tiêu biểu của một làng quê Kinh Bắc cùng những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đã tạo sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Đình Thổ Hà
Việt Yên còn được xem là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống như: rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa nem Thổ Hà…. Trong đó, Rượu làng Vân, một thương hiệu rượu nổi tiếng khắp cả nước, được ngợi ca bằng bốn mỹ từ “Vân hương mỹ tửu”. Việt Yên còn nổi tiếng với làng nghề mây tre đan Tăng Tiến. Các sản phẩm của làng không chỉ phong phú về thể loại, hình dáng mẫu mã mà chất lượng được du khách đặc biệt khách nước ngoài rất ưu chuộng. Thực tế nó đã trở thành món quà quê ý nghĩa và được khách du lịch trong và ngoài nước rất yêu thích…
Định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại địa phương
Trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng tác động của đại dịch covid -19 hoạt động du lịch nói chung và lượng khách đến với địa phương giảm nhiều. Song từ khi có chính sách mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch thì lượng khách đến điạ phương bắt đầu có dấu hiệu tăng và các hoạt động du lịch bắt đầu khởi sắc. Thực hiện Đề án số 2859/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang về phát triển điểm du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2030, huyện Việt Yên đã xác định tập chung phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới.
Múa lân tại làng cổ
Theo đó, huyện sẽ tiến hành khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển, nâng cao ý thức bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn môi trường sống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiến hành khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc của địa phương, góp phần bảo vệ, phát huy tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh.
Tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với các loại hình du lịch: Du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; Du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm (Farmstay); Du lịch ẩm thực, mua sắm; Du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp (Wellness Tourism). Thông qua phát triển du lịch thúc đẩy các cơ hội việc làm trực tiếp từ du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương, khôi phục và bảo tồn nhiều tài nguyên du lịch của tỉnh và giúp tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn đến năm 2025 huyện phấn đấu chỉ tiêu khách du lịch cộng đồng đạt 20.000 lượt/năm, trong đó khách lưu trú đạt 5.000 lượt/năm. Doanh thu du lịch cộng đồng đạt trên 12 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu khách du lịch cộng đồng đạt 50.000 người/năm, trong đó khách lưu trú đạt 10.000 người/năm. Doanh thu du lịch cộng đồng nói riêng đạt trên 25 tỷ đồng/năm.
Giải pháp trọng tâm để phát triển loại hình du lịch cộng đồng
Bánh đa nem tại Làng Cổ Thổ Hà ( Hà Bộ)
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp nhiệm vụ trọng tâm tạo sự đồng bộ, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Trong đó tập chung vào các giải pháp nhiệm vụ chủ yếu như:
Tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch để làm cơ sở cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Phát triển các mô hình dịch vụ làng nghề cộng đồng, văn hóa dân gian, sản phẩm du lịch, quà lưu niệm, phục vụ việc tiếp đón khách du lịch và trưng bày các sản phẩm địa phương tạo điểm nhấn cho các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương (sản phẩm của Thổ Hà, Vân Hà, Bổ Đà, xã Tiên Sơn, Phúc Lâm, thị trấn Nếnh, Tăng Tiến,…).
Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, đặc biệt đối với khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, làng Vân xã Vân Hà, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, khu sinh thái trải nghiệm Đại học Nông Lâm…gắn với sự phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư phát triển du lịch. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cho cơ sở hạ tầng du lịch. Có cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại điểm du lịch cộng đồng; cơ chế về việc sử dụng các ưu đãi đầu tư tại địa phương…
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch thông qua việc áp dụng, khai thác tốt các ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng liên kết, hợp tác với các hãng thông tấn, báo chí. Quan tâm thực hiện các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến các điểm du lịch cộng đồng.
Ban hành cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư và hoạt động du lịch. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực làm du lịch; mở những lớp đào tạo định hướng du lịch cho người dân, từ đó hình thành ý thức làm du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương./.
Hà Bộ
Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang – mybacgiang.vn – Đăng ngày 14/9/2022