Việt Nam tích cực thực hiện Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN

(TITC) – Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.

Du lịch Việt Nam vinh dự có 14 đơn vị đạt giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2023 (Ảnh: TITC)

Việt Nam hội nhập du lịch ASEAN là một quá trình lâu dài và liên tục trong 27 năm qua. Các hoạt động phát triển du lịch của Việt Nam đều trực tiếp và gián tiếp đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ASEAN. Việc hội nhập toàn diện, sâu rộng với ASEAN cũng là cách để Việt Nam tham gia hội nhập toàn cầu ngày càng mạnh mẽ hơn.

Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo cơ hội hưởng lợi cho các bên tham gia nhằm phát triển du lịch bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với du lịch, một hoạt động có mối quan hệ và tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội và cộng đồng dân cư. Yêu cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt đến từ chính khách du lịch, khiến các đơn vị quản lý điểm đến, các chủ đầu tư, kinh doanh du lịch phải thay đổi tư duy, cách thức vận hành quản lý và sản phẩm của mình cho phù hợp, nếu không sẽ bị tẩy chay.

Nhận thức được vấn đề đó, 10 nước thành viên ASEAN gồm Nhà nước Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, nước cộng hòa Indonesia, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan, CHXHCN Việt Nam đã thống nhất xây dựng các Tiêu chuẩn chất lượng ASEAN, đưa ra các yêu cầu cơ bản và khung quy định đối với điểm đến, đối với sản phẩm dịch vụ du lịch và hướng dẫn nâng cao chất lượng ngành du lịch ASEAN, nhằm xây dựng ASEAN thành một điểm đến du lịch có chất lượng cao với tên gọi “điểm đến chung có chất lượng” (“A Quality Single Destination”).

Với mục tiêu đưa ASEAN trở thành điểm đến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch ASEAN so với các khu vực khác, thời gian qua, các nước ASEAN đã tập trung xây dựng 08 bộ tiêu chuẩn du lịch chung theo 2 nhóm: (1) là các tiêu chuẩn về tay nghề nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của lao động du lịch (bao gồm 6 nghề Lễ tân, Buồng, Chế biến món ăn, Phục vụ nhà hàng, Điều hành du lịch và Đại lý lữ hành); và (2) là các tiêu chuẩn liên quan, bổ trợ cho việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, điểm đến. Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn này và từng bước áp dụng để nâng cao chất lượng và hài hòa với mặt bằng chung trong khu vực ASEAN.

Hàng năm, căn cứ nội dung này, Việt Nam đều có lựa chọn, đề cử các tổ chức, đơn vị kinh doanh, điểm đến, doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc để nhận các giải thưởng nhân dịp Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) tổ chức luân phiên giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Số lượng đơn vị nhận giải thưởng ASEAN của Việt Nam tính đến tháng 01 năm 2023 đến nay đã lên đến 159 thuộc 22 tỉnh thành phố trong cả nước và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend