Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan Samina Mehtab (Ảnh: TITC)
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Samina Mehtab khẳng định, Pakistan và Việt Nam có mối quan hệ rất thân thiết trên mọi lĩnh vực hợp tác. Tuy nhiên, quy mô của du lịch song phương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Từ đầu năm 2022 đến nay, 175 khách du lịch Việt Nam đã được cấp thị thực du lịch đến Pakistan. Trong tương lai, Pakistan hy vọng có thể thu hút lượng lớn hơn du khách từ Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phát triển rất mạnh. Trong giai đoạn 2015 – 2019, du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình 22,7%/ năm. Trong năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng (tương đương với 32 tỷ USD), đóng góp 9,2% vào GDP.
Kể từ năm 2020 đến cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch Việt Nam. Từ khi chính thức mở cửa từ ngày 15/3/2022, du lịch nội địa đã bùng nổ trở lại, du lịch quốc tế cũng tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt qua mục tiêu của cả năm 2022; đón 420 ngàn lượt khách quốc tế.
Trao đổi tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam và Pakistan sẽ có cơ hội kết nối các chuyến bay thẳng giữa hai nước. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác du lịch và kinh tế của hai bên.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho biết, thị trường khách du lịch của Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) chiếm 65%, sau đó là thị trường ASEAN, châu Âu, Mỹ và Úc. Khu vực Nam Á (Pakistan, Ấn Độ…) và Trung Đông là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam sẽ tiếp cận và khai thác trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam tập trung vào 4 dòng sản phẩm bao gồm: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thành phố.
Dự kiến tháng 9/2022 sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế ITE tại TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam hy vọng Pakistan sẽ cùng với các doanh nghiệp tới tham dự. Đây sẽ là cơ hội tốt để tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu về du lịch Pakistan ở Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TITC)
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đưa ra đề xuất về việc phối hợp với các cơ quan du lịch quốc gia tổ chức các hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể trực tiếp tìm hiểu, trao đổi thông tin cần thiết. Đồng thời, trong thời gian tới hai bên sẽ xem xét về việc tái ký, gia hạn Biên bản ghi nhớ giữa Pakistan và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển và tạo thuận lợi cho du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh hy vọng, việc hợp tác du lịch giữa Pakistan và Việt Nam sẽ có nhiều tiến triển tích cực. Đồng thời có thể sớm kết nối với cơ quan du lịch quốc gia của Pakistan để triển khai nhanh chóng các hoạt động hợp tác du lịch song phương.
Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan bày tỏ mong muốn, các nhà đầu tư của Việt Nam xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú ở Pakistan, bởi quốc gia này có các chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời trong tương lai, có thể tổ chức các sự kiện, các hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư từ Việt Nam vào Pakistan.
Trung tâm Thông tin du lịch