Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững

Phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống…

Thiên nhiên ưu đãi cho Thừa Thiên Huế hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống.

Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Thừa Thiên Huế đã từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; với thành phố Huế là đô thị trung tâm. Đây là lợi thế rất lớn đã góp phần giúp cho Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển “Du lịch xanh” trong những năm gần đây, đồng thời phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản trong phát triển du lịch xanh. Ảnh: ĐT. 

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế: Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề “Du lịch xanh” như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm… Hiện nay, đã có 7 trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố; nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành như: khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, làng cổ Phước Tích, khu vực cầu ngói Thanh Toàn, khám phá các làng chài ở khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, các ngôi làng truyền thống của đồng bào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới…

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh. Vườn Quốc gia Bạch Mã được quan tâm cho xây dựng quy hoạch rất kỹ để kêu gọi đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng dịch vụ, hoạt động du lịch tôn trọng tính đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường. Ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng. Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng như: Nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại thành phố Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang…

Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Từ đó đến nay, dưới sự hỗ trợ của UNESCO về tài chính, kỹ thuật cũng như vận động quốc tế tài trợ, các di tích đã được trùng tu và phục dựng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này thông qua xây dựng môi trường du lịch xanh, bền vững.

Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, thành phố Huế) – một trong những điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế.  Khu vực lăng có không khí trong lành, được phủ nhiều cây xanh rất thích hợp để hướng tới xây dựng trở thành điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh. Trong hành trình xây dựng tuyến Du lịch Xanh tại đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã tích cực trao tặng phương tiện, trồng cây xanh để làm đẹp, xanh hơn cho khu vực di tích.

Địa phương này vừa khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, thành phố Huế). 

Đến đây, du khách có thể tận hưởng sự văn minh, không gian thanh bình, hệ sinh thái thân thiện bằng trải nghiệm đạp xe, đi xe điện. “Các phương tiện đưa vào sử dụng giúp khách di chuyển thuận tiện hơn trong hành trình tham quan. Đặc biệt, phương tiện xanh thực sự rất phù hợp, hài hòa với một nơi bình yên, có nhiều công trình di tích văn hóa, tâm linh như lăng vua Gia Long.

Ngoài ra, các trạm tiếp nước sạch cho khách du lịch cũng đã được vận hành ở một số điểm tham quan thuộc di sản Huế như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh từ tháng 8/2023. Nhờ đó, lượng lớn vỏ chai, rác thải nhựa được giảm đi đáng kể, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến các điểm di tích. Khuyến nghị của UNESCO đối với các khu di sản là phải hạn chế tối đa tác động bất lợi như tiếng ồn, độ rung, khói bụi đến khu di sản. Vậy nên, việc triển khai tuyến Du lịch Xanh hay việc giảm nhựa sẽ là hành động cụ thể của đơn vị thực hiện cam kết đối với UNESCO đồng thời giúp hình ảnh di tích trở nên thân thiện hơn với du khách.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng ngành du lịch địa phương triển khai những “nỗ lực” xanh để gìn giữ giá trị của di sản Huế. Điển hình là sự chung tay của dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do WWF Na Uy tài trợ thông qua WWF Việt Nam. Dự án cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đang nỗ lực đẩy mạnh các quy tắc giảm nhựa ở điểm di tích, điểm đến du lịch. Qua đó, xây dựng thành phố Huế trở thành điểm đến du lịch di sản Xanh, thân thiện môi trường.

Ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số tuyến, tour gắn với Du lịch Xanh, đặc biệt ở khu vực di sản đồng thời mở các khóa tập huấn, vận động các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thực hiện Bộ quy tắc giảm nhựa và ứng xử xanh đối với di tích Cố đô Huế để thành phố Huế xứng đáng với giải thưởng “thành phố du lịch sạch ASEAN” vừa được công bố vào tháng 01/2024 tại Lào. Giải thưởng hứa hẹn tạo hiệu ứng tốt cho ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.

Đồng thời, sẽ nghiên cứu khai thác hiệu quả tài nguyên, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao,… các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Ứng dụng những thành tựu công nghệ số vào việc quản lý phát triển du lịch xanh. Sở Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.

Lan Anh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường – thiennhienmoitruong.vn – Đăng ngày 13/02/2024

Scroll to Top
Send this to a friend