Quy chế đánh giá du lịch xanh Quảng Nam được ban hành vào cuối tháng 8 vừa qua giúp ngành du lịch Quảng Nam tiến gần hơn đến việc “ra đời” những đơn vị xanh.
Nhiều đơn vị trong số 14 đơn vị thực hiện cam kết tiên phong thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam (vào tháng 3/2022) sắp được cấp chứng nhận du lịch xanh. Ảnh: Q.T
Với quy chế được ban hành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng đánh giá du lịch xanh Quảng Nam gồm 7 thành viên. Cùng với đó cũng hình thành 6 tổ đánh giá tương ứng với 6 bộ tiêu chí du lịch xanh cho các loại hình khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan và điểm du lịch dựa vào cộng đồng.
Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam ra đời trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 Bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ cũng như điều kiện kinh doanh thực tế địa phương. Sau khi tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận du lịch xanh, Hội đồng đánh giá du lịch xanh sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát ít nhất 5 năm một lần tại cơ sở cấp chứng nhận.
Nếu tổ chức, cá nhân được chứng nhận không duy trì chất lượng thì hội đồng sẽ có báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng nhận du lịch xanh. Điều này đảm bảo việc các doanh nghiệp cấp chứng nhận phải luôn duy trì, vận hành xuyên suốt du lịch xanh chứ không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”.
Vừa qua, không chỉ ở Hội An, một số địa phương khác như Tam Kỳ, Tiên Phước, Nông Sơn… các chủ thể làm du lịch đã và đang vào cuộc triển khai nhiều hoạt động để phổ biến rộng rãi xu thế du lịch xanh.
Các “nhãn mác” ghi nhận cơ sở, điểm du lịch đã tham gia, đạt tiêu chí về du lịch xanh sẽ giúp tăng tính nhận diện với du khách. Từ đó lan tỏa đến chính du khách để đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở và cùng tham gia hành động vì du lịch xanh trong chuyến đi.
Theo mục tiêu trong kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025 đề ra, hằng năm sẽ xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh. Đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 – 20 mô hình du lịch xanh. Trên thực tế, đến thời điểm này vẫn chưa có một doanh nghiệp, điểm đến, đơn vị nào trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Hồi đầu năm, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng một số đơn vị liên quan, nhất là Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) cũng đã rất nỗ lực với mục tiêu có doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn trong dịp khai mạc Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 (tháng 3/2022) nhưng không thành hiện thực.
Sea’lavie Boutique Resort & Spa (TP.Hội An) là một trong những đơn vị tiên phong vận hành du lịch xanh. Ảnh: Q.T
Trong tuần khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022, đã có 14 đơn vị cam kết thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Trong số này có 2 đơn vị thuộc điểm đến nhà nước quản lý, 1 khu du lịch sinh thái, 4 công ty dịch vụ du lịch và 7 khách sạn. Đây vẫn là các đơn vị nòng cốt và có tiềm năng lớn trong nhiệm vụ tiên phong tiếp cận chứng chỉ du lịch xanh của Quảng Nam.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá du lịch xanh Quảng Nam cho biết: “Có khá nhiều doanh nghiệp, đơn vị du lịch nộp đăng ký thẩm định chứng nhận du lịch xanh. Trước mắt, các tổ đánh giá đã trình danh sách 11 đơn vị (đều nằm trong nhóm 14 đơn vị tiên phong) đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chí du lịch xanh và đang chờ hội đồng thẩm định, xét duyệt. Nếu thuận lợi, vào cuối tháng 9 này sẽ có những đơn vị đầu tiên ở Quảng Nam được cấp chứng nhận du lịch xanh”.
Bên cạnh nỗ lực tiếp cận “chứng chỉ” du lịch xanh Quảng Nam, để du lịch xanh ở Quảng Nam phát triển đúng hướng cần sự vào cuộc đồng bộ và cả quá trình. Theo ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, cần định vị khía cạnh rõ ràng về sản phẩm du lịch xanh của Quảng Nam. Một số đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch xanh ở Quảng Nam hầu hết mới chỉ dừng ở khía cạnh trực quan khi xanh với thiên nhiên, còn đi vào chiều sâu thì chưa có.
“Quảng Nam chưa có trung tâm đào tạo bài bản về chương trình du lịch xanh. Với Bộ tiêu chí du lịch xanh đã ban hành, để nhiều cơ sở đạt được những tiêu chí đó cần hình thành trung tâm đào tạo nguồn lao động trong du lịch xanh. Du lịch xanh thực sự rất khó, do nó sẽ thay đổi hoàn toàn thái độ của người làm du lịch, khiến du lịch tử tế hơn. Do đó, cần hướng vào việc đào tạo sâu chất lượng lao động du lịch thì du lịch xanh mới bền vững trong lâu dài” – ông Hà nói.
Quốc Tuấn
Báo Quảng Nam điện tử – baoquangnam.vn – Đăng ngày 11/9/2022