(TITC) – Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch năm 2022. Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã tham dự và trao đổi về công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, cập nhật các chủ trương, chính sách pháp luật mới trong lĩnh vực du lịch và cung cấp thông tin tổng quan về công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tới các cán bộ, công chức quản lý du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Thông qua đó, góp phần làm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các văn bản pháp luật, nâng cao năng lực quản lý, đồng thời tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hoạt động chuyển đổi số của ngành du lịch.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, ngành du lịch đã chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhiều chỉ tiêu bị sụt giảm so với kế hoạch đề ra, song ngành du lịch đã và đang hồi phục, phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ước tính năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt.
Đặc biệt, vừa qua tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards), Hà Nội được vinh dự công nhận là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022. Thành phố đang tiếp tục đạt các mục tiêu lớn trong năm 2023 đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, ngành du lịch thủ đô đòi hỏi những thay đổi toàn diện để phục hồi trở lại và phát triển bền vững trong thời gian tới. Giai đoạn này cần đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh quá trình hồi phục, trong đó ngành du lịch đã xác định chuyển đổi số là giải pháp căn cơ, tất yếu và lâu dài. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường trên nền tảng công nghệ mới; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến trải nghiệm an toàn, tiện lợi, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua hệ thống thuyết minh tự động, quét mã QR, ứng dụng du lịch… Bên cạnh đó, các điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu của khách du lịch; qua đó giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của mình.
Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa trao đổi về công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ảnh: TITC
Trao đổi về công tác chuyển đổi số trong du lịch, ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và mang tính cấp thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có những giải pháp thích ứng nhanh chóng với nhu cầu sử dụng công nghệ trong hoạt động du lịch của du khách và với xu hướng chuyển đổi số chung trên toàn quốc.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua Tổng cục Du lịch đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp và điểm đến, nâng cao trải nghiệm khách du lịch.
Đặc biệt, một hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành với hệ thống các sản phẩm công nghệ số được kết nối chặt chẽ với nhau như: Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; hệ thống báo cáo thống kê; Dashboard thông tin quản lý điều hành; Nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel; nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch; Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh; hệ thống thẻ – vé điện tử…
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã triển khai hỗ trợ một số điểm khu, điểm di tích như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch áp dụng hệ thống vé điện tử, giúp nâng cao trải nghiệm, tạo thuận tiện cho khách du lịch và đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành của ban quản lý.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số du lịch, hiện nay, Trung tâm Thông tin du lịch đang làm việc với sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc để triển khai văn bản số 1818/TCDL-TTTTDL ngày 4/11/2022 của Tổng cục Du lịch gửi các sở quản lý du lịch địa phương về việc phối hợp triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Để công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong du lịch. Đây là tài liệu quan trọng giúp cho các bên liên quan trong ngành có cái nhìn tổng quan về chuyển đổi số, cũng như nghiên cứu áp dụng các sản phẩm công nghệ cụ thể trong hệ sinh thái.
Ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh, chuyển đổi số cần có sự tham gia, liên kết, hợp tác của tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch. Trong đó cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương có vai trò định hướng, dẫn dắt, thể hiện ở xây dựng chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số; hỗ trợ, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp triển khai triển đổi số; xây dựng và duy trì các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia để tạo ra môi trường số cho hoạt động quản lý và phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần có sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình chuyển đổi số, nhất là trong việc số hóa thông tin, dữ liệu về sản phẩm, dịch vụ; phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo hỗ trợ du lịch; tích hợp dữ liệu vào nền tảng số du lịch của cơ quan quản lý ở Trung ương.
Về một số giải pháp chuyển đổi số hoạt động du lịch, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch đề nghị cần tập trung đẩy mạnh số hóa, tích hợp dữ liệu vào Cơ sở Dữ liệu Du lịch Việt Nam; triển khai chế độ báo cáo thống kê; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch.
Đặc biệt, ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh cần tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử trong du lịch, trong đó đẩy mạnh sử dụng rộng rãi các sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh như: Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh, nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động truyền thông trên nền tảng số để hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hà giới thiệu, trao đổi về công tác giáo dục pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: TITC
Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực du lịch, bà Lê Thị Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giới thiệu 6 nội dung chính về quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch, gồm có: Văn bản quy phạm pháp luật về du lịch; Quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành; Quy định về kinh doanh đại lý lữ hành; Quy định về kinh doanh lưu trú du lịch, các dịch vụ du lịch khác; Chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Các đại biểu và khách mời đã được nghe giới thiệu về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch; Hợp đồng lữ hành, đại lý lữ hành; quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; các loại hình kinh doanh và các dịch vụ du lịch khác…
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch