(TITC) – Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu ái với nhiều thắng cảnh đẹp, nền văn hóa bản địa đặc trưng, cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với các dân tộc anh em cùng sinh sống tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, mang đến bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú. Đây chính là tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân trên địa bàn tỉnh, các Đề án, Chương trình, Kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh… được triển khai đồng bộ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Nhiều loại hình di sản văn hóa được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, điển hình như không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc. Nhiều thôn, làng văn hóa được chính quyền quan tâm, chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông; làng Bar Gốc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy… Tại các làng này vẫn duy trì những đội cồng chiêng truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần hay các nghi lễ tín ngưỡng.
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng của văn hóa bản sắc từng dân tộc, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các nguồn lực của cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Thông tin du lịch