(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn và quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Sở VHTTDL Thái Nguyên nhận định, Thái Nguyên được biết đến là vùng đất được hình thành từ lâu đời, nơi hội tụ, giao lưu, sinh sống lâu đời của 51 dân tộc anh em, trong đó có 8 dân tộc đông nhất là: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, H’Mông, Hoa. Không chỉ vậy, Thái Nguyên còn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng, trên 1.000 di tích lịch sử đã được kiểm kê, trong đó có 292 di tích được xếp hạng (01 di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 điểm; 55 di tích quốc gia; 224 di tích cấp tỉnh); có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 17 di sản được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; Thái Nguyên cũng là một trong 11 tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào ngày 13/12/2019.
Trong thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã từng bước được đầu tư, khai thác và bước đầu dần hình thành một số sản phẩm du lịch, tiêu biểu như hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa dân tộc Bản Quyên (huyện Định Hóa), Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên); Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai)… Đến với các điểm du lịch này, du khách được tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, làng nghề, nông nghiệp (giao lưu văn hóa cùng bà con dân tộc Tày, tham gia trò chơi dân gian, trải nghiệm hoạt động làng nghề: mây tre đan, sản xuất chè truyền thống, hái na, ổi…), thưởng thức sản phẩm ẩm thực bản địa, lưu trú tại các nhà sàn truyền thống… Đặc biệt, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 Thái Nguyên đã có Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (được công nhận là điểm du lịch địa phương năm 2014) là điểm đầu tiên được xếp hạng 04 sao trong nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn và Điểm du lịch.
Vào tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch triển khai văn bản đề nghị đề xuất ứng cử viên nhận Giải thưởng ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào đặc điểm tình hình phát triển du lịch của tỉnh, nghiên cứu tiêu chí, các hạng mục giải để đề xuất ứng cử viên có năng lực vào những hạng mục thế mạnh, đáp ứng tiêu chí.
Từ thực tế phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn tại địa phương, Sở đã lựa chọn Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là đơn vị ứng cử hạng mục giải thưởng cho sản phẩm du lịch bền vững nông thôn, hướng dẫn đơn vị chuẩn bị hồ sơ tham gia ứng cử giải thưởng.
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Cường, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, được xây dựng từ năm 2003 với tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc, sự ủng hộ của địa phương và các cơ quan chức năng; đến năm 2014, Bản làng Thái Hải được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch địa phương và chính thức đi vào hoạt động đón khách, chủ yếu là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với văn hoá dân tộc Tày và nông nghiệp hữu cơ. Việc lựa chọn Bản làng Thái Hải dựa trên những nét đặc trưng, bản sắc sau:
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống: với quy mô khoảng 25 ha diện tích đồi rừng, tại đây có các gia đình nhiều thế hệ sinh sống trong 30 ngôi nhà sàn đều được chuyển về từ vùng An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, được phục dựng lại nguyên bản, những vật dụng gia đình như cối xay thóc, cối giã gạo bằng nước, bồ đan… đến trang phục dân tộc, phụ kiện, ẩm thực đều được giữ gìn và bảo tồn một cách tốt nhất. Các thành viên của bản làng gồm nhiều dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Kinh; trong đó, truyền thống văn hóa Tày được lấy làm văn hóa chung của cộng đồng.
Phát triển du lịch theo hướng an toàn, bền vững: Trong bản làng các nhà sàn được chia làm nhiều khu vực, gồm có khu bảo tồn, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu tổ chức sự kiện…; Bản làng Thái Hải sử dụng diện tích ruộng nương trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp giữa phương pháp truyền thống và áp dụng tiến bộ khoa học đảm bảo nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh phục vụ khách, hệ thống biển chỉ dẫn hướng dẫn du khách (tre, nứa, lá cọ…), hạn chế sản phẩm làm bằng nhựa, hạn chế sử dụng nước đóng chai nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện; trưng bày, bán các sản phẩm túi dệt thổ cẩm, túi vải, sản phẩm từ mây tre đan nhằm khuyến khích du khách thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm túi nilon trong việc mua sắm,…Hướng dẫn viên tại điểm và đội ngũ lao động trực tiếp làm du lịch hàng năm đều tham gia các lớp nghiệp vụ du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; lớp tập huấn về tôn giáo, tín ngưỡng của Tổng cục Du lịch nhằm không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách.
Chương trình du lịch đặc sắc, mang màu sắc văn hóa độc đáo: Đến với Bản làng Thái Hải, du khách rất ấn tượng với trải nghiệm nếp sống sinh hoạt đời thường của cộng đồng trong bản làng gắn với văn hóa dân tộc Tày, bà con bản làng vẫn duy trì nét văn hóa dân tộc trong đời sống hàng ngày đó là từ các cụ già lớn tuổi trong bản đến các em nhỏ hàng ngày đều mặc áo chàm – trang phục đặc trưng của người dân tộc Tày, bản làng phân công từng mảng để bảo tồn văn hóa và đưa vào phục vụ du khách: nhà làm thuốc nam, nhà nấu rượu, nhà làm chè, nhà ẩm thực, nhà thực hành Then… du khách có thể trải nghiệm tham gia các hoạt động cùng bà con trong bản như: tìm hiểu văn hóa dân tộc Tày, tham gia trồng trọt, chăn nuôi, làm bánh, thưởng thức các món ăn truyền thống (khâu nhục, nộm hoa chuối rừng, thịt treo gác bếp, xôi lá cẩm, bánh chưng Tày …), chơi các trò chơi dân gian; tại bản làng Thái Hải còn thường xuyên diễn ra những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, hoạt động tập thể, những lễ hội dân gian truyền thống của người Tày (Lễ hội xuống đồng, Lễ mừng cơm mới, tiếng đàn tính, hát Then, một số trò chơi dân gian như đánh đu, đi cà kheo…). Hàng năm, Bản làng Thái Hải đã đón tiếp hơn 100 nghìn du khách từ hầu hết các tỉnh trong cả nước và du khách từ khoảng 30 nước trên thế giới đến tham quan, trải nghiệm.
Dưới sự hướng dẫn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bản làng Thái Hải đã hoàn thiện hồ sơ trình đề nghị xét tặng giải thưởng. Và đơn vị đã đạt Giải thưởng cho sản phẩm du lịch bền vững nông thôn.
Đặc biệt, mới đây, Thái Hải đã được Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO công bố là Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Trung tâm Thông tin du lịch