Kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại Hà Nội góp phần nâng cao chất lượng tiêu chuẩn du lịch ASEAN tại Việt Nam

(TITC) – Triển khai Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023, ngày 9/8/2023 đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là hoạt động nhằm khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn du lịch ASEAN mà Việt Nam đã tham gia với tư cách thành viên tích cực.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú tại Hà Nội

Việc triển khai Kế hoạch 1819 nhằm chấn chỉnh, phục hồi và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh, bền vững. Qua đó, tạo ra chuyển biến và kết quả cụ thể về nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam giai đoạn phục hồi.

Tại Hà Nội, đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự ở một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn (khách sạn Apricot, Glory Resort, Bảo Sơn, Silk Path, Hòa Bình).

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2023 lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,7 triệu lượt khách, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,43 triệu lượt, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng 68,3% với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1 % tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Cụ thể, số khách sạn, khu căn hộ được công nhận xếp hạng 5 sao là 28 cơ sở; khách sạn 4 sao là 23 cơ sở; khách sạn 3 sao 34 cơ sở, khách sạn 2 sao là 143 cơ sở và khách sạn 1 sao có 375 cơ sở.

Tại các buổi làm việc, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu và đoàn công tác đã phổ biến, quán triệt chủ trương, mục tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận. Đồng thời khẳng định, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đặc biệt kiểm tra, rà soát việc quảng bá hạng cơ sở lưu trú du lịch trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo…

Thông qua các buổi làm việc, đoàn kiểm tra tiếp nhận ý kiến của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương và nắm bắt thực trạng, khó khăn, tồn tại ở các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý và nhân viên cơ sở lưu trú du lịch tại Hà Nội và các địa phương trên toàn quốc.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend