Trải qua bao thăng trầm, đến nay, đồng bào M’nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ được nghề làm gốm cổ mang hồn cốt đặc trưng mộc mạc, đơn sơ của núi rừng. Dù không còn hưng thịnh như xưa, nhưng ngày nay, nghề gốm cổ vẫn là niềm tự hào về nét đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc M’nông.
Nhiều đoàn du khách ghé thăm, trải nghiệm quy trình làm gốm của người M’nông. Ảnh: Phúc An
Về làng gốm cổ
Dưới bóng cây me trước hiên nhà sàn truyền thống của gia đình nghệ nhân H’Lưm Uông, các nghệ nhân của làng gốm tỉ mỉ giã, nhào, nặn những vật dụng xinh xắn. Đồng bào M’nông có nhiều nhánh, nhưng chỉ có nhánh M’nông Rlăm ở xã Yang Tao biết làm gốm. Gốm của người M’nông Rlăm từng được dùng phố biến trong các buôn làng Tây Nguyên.
Đang cúi gập người xoay tròn quanh chiếc cối nhào nặn đất, tạo phôi chiếc nồi, nghệ nhân nhiều tuổi nhất là H’Phiết Uông tạm dừng tay, ngước mặt nhìn chúng tôi, rồi tự hào nói: Thời hưng thịnh, gốm của đồng bào dân tộc M’nông ở đây nổi tiếng khắp vùng. Sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ có mặt ở khắp các buôn làng Tây Nguyên, mà còn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở duyên hải miền Trung tìm mua về sử dụng.
Nói về gốm, bao nhiêu ký ức thời thơ ấu của nghệ nhân H’Phiết khi theo cha đi khắp nơi bán gốm, đổi lấy gạo, mì, bắp, đậu… lại ùa về, ông chia sẻ: Thời đó, ở Yang Tao nhà nhà làm gốm. Chiều đến thì vác cuốc đi dọc các bãi bồi ven sông, suối đào đất làm nguyên liệu, ban đêm giã đất thình thịch. Sáng ra thì nặn sản phẩm, phơi khô, dùng đá sỏi mài cho bóng, rồi nhóm lửa nung, lên men gốm bằng củi rừng và trấu, trước sân nhà nào cũng có đống lửa để nung gốm.
Trong thời hiện đại, đồ gốm sứ sản xuất công nghiệp ngày một tinh xảo, giá thành lại rẻ, mẫu mã đẹp chiếm lĩnh thị trường, do đó, sản phẩm gốm Yang Tao không có người mua. Người làm gốm bỏ nghề làm nương rẫy, nghệ nhân làm gốm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Để giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân làm gốm học cách cải tiến, biến tấu sản phẩm cho hợp xu thế. Sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ là thau, chậu, nồi niêu, chén bát như xưa nữa mà có thêm ấm trà, khay, đĩa, ly, tách, ché, con voi, con rùa… được chế tác tinh xảo.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, gốm của người M’nông Rlăm ở Yang Tao là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt. Bởi khắp vùng đất Tây Nguyên, bây giờ chỉ có người M’nông Rlăm còn làm gốm theo cách cực kỳ độc đáo. Nguyên liệu làm gốm là đất sét nguyên chất không pha trộn, sản phẩm gốm được tạo ra hoàn toàn thủ công, từ khâu nhào nặn phôi, tạo hình đến dùng que tre để tạo hoa văn, tất cả đều được làm bằng đôi tay khéo léo của người thợ. Sau đó, phơi khô sản phẩm gốm và nung lộ thiên bằng củi trong vòng 30 phút, cuối cùng lên men bằng trấu tạo màu đen tuyền, sản phẩm gốm hoàn thiện một cách tinh xảo và bền.
Kể lại quá trình làm gốm, nghệ nhân H’Lưm cho biết, trước hết phải chọn vị trí có đất sét rồi đi đào, gùi đất về, loại sạch tạp chất, đặt đất trên mặt sau chiếc cối khoảng cao khoảng 50-60cm, thêm nước, dùng chày giã nhuyễn đất rồi mới bắt đầu chế tác sản phẩm gốm. Người M’nông làm gốm không dùng bàn xoay như các làng gốm khác mà di chuyển quanh chiếc cối, sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải thấm ướt để tạo hình. Khi phơi sản phẩm thô cũng chỉ đến độ khô nhất định mới dùng que vẽ hoa văn, họa tiết, lấy hòn đá cuội chà xát bề mặt cho bóng, rồi tiếp tục phơi khô trong bóng râm. Sau đó, xếp gốm trên đống củi khô, sản phẩm nhỏ xếp bên trong, đồ vật lớn xếp xung quanh phía ngoài, rồi đốt lửa nung gốm đến khi tất cả đỏ rực. Cuối cùng là sử dụng vỏ trấu, mùn cưa để phun tạo màu đen bóng đặc trưng của gốm Yang Tao.
Hồi sinh làng gốm
Giữ gìn nghề gốm truyền thống của cha ông, đến nay, các nghệ nhân H’Phiết Uông, H’Lưm Uông và H’Huyên Bhôk miệt mài với gốm. Mặc dù nghề gốm chưa mang lại thu nhập để cải thiện cuộc sống tốt hơn, nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào của người M’nông. Bà H’Lưm tâm sự: Chúng tôi làm gốm không chỉ vì đam mê mà bằng cả trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống. Tôi luôn hy vọng sự nỗ lực giữ nghề truyền thống của thế hệ đi trước sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị văn hóa của nghề để có ý thức bảo tồn, phát huy.
Gần 10 năm trước, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã từng phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy làm gốm cho thanh thiếu niên và giới thiệu sản phẩm gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch. Từ đó, có những đoàn khách du lịch ghé thăm làng gốm để trải nghiệm, mua gốm làm quà lưu niệm. Gốm Yang Tao cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Festival gốm Thanh Hà – Hội An.
Mới đây nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Lắk tổ chức lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của người M’nông. Lớp học được tổ chức từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tham gia lớp học có 20 học viên là phụ nữ dân tộc M’nông trên địa bàn xã.
Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao chia sẻ: Xã Yang Tao có đến 90% đồng bào M’nông Rlăm sinh sống. Để phục hồi nghề gốm, đến nay, xã đã quy hoạch vùng đất khoảng 2ha và đang chờ có kinh phí, nhà đầu tư tâm huyết để phát triển làng nghề truyền thống này. Hiện nay, trên địa bàn cũng đã hình thành một số điểm du lịch theo mô hình cộng đồng và có nhiều đoàn khách ghé thăm làng gốm. Chính quyền xã cũng định hướng kết nối các điểm du lịch với làng gốm tạo thành tour du lịch.
Phúc An
Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn – Đăng ngày 12/11/2023