(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải pháp khi thực hiện quy trình tham dự Giải thưởng Du lịch ASEAN.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm 2022 là thời điểm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các bên liên quan của ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh và nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn dịch vụ và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến Cố đô Huế theo chuẩn du lịch ASEAN. Việc nỗ lực để thay đổi, qua đó tiệm cận, bắt kịp với các điểm đến khác trong khu vực là điều cần phải thực hiện kịp thời. Việc lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch bền vững thông qua tổ chức không gian và phát huy giá trị di sản Huế nhằm đón khách trở lại mở ra nhiều kỳ vọng lớn cho Khu di sản Huế và du lịch Thừa Thiên Huế.
Đứng trước những thách thức và yêu cầu đặt ra, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp chặt chẽ của Sở Du lịch tỉnh và các bên liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước phục hồi, biến thách thức thành cơ hội, đưa điểm đến Cố đô Huế trở thành điểm đến xanh, an toàn, thân thiện trong thời gian tới với xác định trong tâm chất lượng dịch vụ luôn là yếu tố quyết định, là giải pháp hàng đầu mà điểm đến Cố đô Huế phải thực hiện trong phát triển điểm đến.
Thứ nhất, chú trọng xây dựng điểm đến Huế xanh, an toàn, thân thiện. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến xu hướng, nhu cầu và hành vi của khách du lịch. Chính vì thế, việc đảm bảo an toàn cho du khách luôn được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn TP. Huế đã hoàn thành việc triển khai cấp thẻ và quét mã QR cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, khai báo y tế liên thông và thiết lập mã QR code quốc gia theo hệ thống ngành du lịch để các điểm di tích và du khách tra cứu nhanh, chính xác những diễn biến dịch bệnh… Đặc biệt, đẩy mạnh việc tiêm đủ liều vắc xin cho toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch – dịch vụ trên địa bàn thành phố để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”, “thẻ xanh” trong trạng thái bình thường mới.
Thứ hai, tổ chức không gian và phát triển các sản phẩm mới để tạo sự khác biệt, có tính trải nghiệm cao. Với điểm đến Huế, du lịch văn hóa – di sản vẫn là loại hình chủ đạo, cốt lõi, trong thời gian tới. Huế đã và đang tập trung đa dạng và nâng cao chất lượng các điểm di tích. Với mục đích tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ để thu hút khách du lịch đến tham quan khu Di sản Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tăng cường liên kết, tổ chức không gian trình diễn và tái hiện các hoạt động nghệ thuật đặc sắc. Đây là cơ hội để du khách có thể trải nghiệm nhiều nghi lễ chỉ có tại Hoàng cung Huế ngày xưa.
Thứ ba, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm chủ lực, mang tính đại diện và thương hiệu cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Cố đô Huế. Để kéo dài ngày khách lưu trú và chi tiêu của du khách, trong thời gian qua, rất nhiều sản phẩm và dịch vụ chủ đạo đã được tập trung xây dựng thương hiệu như “Huế – Kinh đô áo dài”, “Huế – Kinh đô ẩm thực” gắn với phát triển loại hình du lịch ẩm thực đặc trưng vùng miền. Tinh hoa của ẩm thực Huế từ các món ăn cung đình, cơm chay, các món dân dã, đường phố, các món đặc sản vùng biển, đầm phá. đã được thống kê, lưu giữ, phục hồi chế biến đúng kiểu cách theo nguyên liệu, gia vị truyền thống và đưa vào phục vụ cho các tour ẩm thực chuyên nghiệp, riêng biệt tại nhiều địa điểm với những đặc trưng khác nhau. Trải nghiệm “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” nơi tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế trong cuộc sống đương đại, du khách có thể trải nghiệp dịch vụ chụp hình lưu niệm với áo dài truyền thống Huế hoặc mua làm quà nhân kỷ niệm thăm Huế. Việc đa dạng hóa sản phẩm còn được thể hiện qua việc xây dựng các sản phẩm ở khu vực vệ tinh, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với đô thị di sản. Các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vùng biển, đầm phá, du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng, làng nghề, nghề truyền thống, nhà vườn, nhà rường. đã được chú trọng xây dựng, chuẩn bị tích cực trong giai đoạn dịch để mở cửa đón khách khi các thị trường du lịch mở cửa trở lại.
Xây dựng điểm đến “Di sản Huế – Nói không với túi ni lông, không rác thải nhựa” với hình ảnh du lịch “Di sản xanh” hướng tới mục tiêu Huế – Đô thị di sản không rác thải nhựa nhằm giữ gìn môi trường xanh cho di tích theo hướng tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao tính tiện ích và dịch vụ du lịch thông minh. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang đẩy mạnh quản trị và kinh doanh dịch vụ du lịch trên nền tảng số; hệ thống thẻ – vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; kênh truyền thông quảng bá trên các nền tảng số. Đây là hệ thống các sản phẩm cốt lõi để Trung tâm xây dựng nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời tạo sự kết nối đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và toàn quốc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với việc nâng cao tính tiện ích và quản lý dịch vụ du lịch theo phương châm trải nghiệm thông minh. Để tạo thêm những sản phẩm du lịch sôi động, hiện đại và ấn tượng cho Huế, tại Đại nội Huế đã triển khai dịch vụ chiếu phim giải trí sử dụng công nghệ VR, XR (thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường) theo các chủ đề về di tích Huế để tái hiện và khám phá Hoàng Cung Huế xưa. Tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch thông minh, tăng tiện ích cho khách du lịch như dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide/ minh họa qua quét QR) phục vụ khách du lịch tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế và các điểm đến khác; hệ thống xe đạp thông minh; trang bị hạ tầng du lịch thông minh; các ki ốt cung cấp thông tin và xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, triển khai vé điện tử… để tạo tiện ích và trải nghiệm cho du khách khi đến Huế theo hướng du lịch giãn cách an toàn và thuận tiện. Thay đổi cách marketing sản phẩm dịch vụ truyền thống (bán trực tiếp) chuyển sang hình thức mua – bán trực tuyến với các sản phẩm dịch vụ, quà lưu niệm, booking vé, tour tham quan…, đồng thời hình thức giao hàng tận nhà đảm bảo thuận tiện, an toàn.
Thứ năm, chủ động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động tham gia trực tiếp vào hoạt động dịch vụ du lịch. Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các lớp, đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực dịch vụ du lịch cập nhật kiến thức về dịch vụ du lịch an toàn và thân thiện, phòng tránh dịch bệnh…, chú trọng đến các điểm di tích đang phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng (cụm lăng tẩm của các vua Triều Nguyễn). Hình thành các chuỗi dịch vụ, du lịch khép kín, kết hợp với thế mạnh vốn có của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế là du lịch di sản văn hóa với du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng. Việc bảo vệ tôn tạo di tích luôn hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng tham quan, học tập và nghiên cứu. Qua đó nhằm tăng cường thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong điều kiện mới khi công tác phòng, chống dịch bệnh chuyển sang trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch covid-19.
Trung tâm Thông tin du lịch