Thành phố Hachinohe, cách Tokyo chưa đầy ba giờ đi tàu cao tốc về phía bắc, có rất nhiều điều để du khách khám phá về phong cảnh thiên nhiên, ẩm thực và tôn giáo. Các quan chức thành phố hy vọng rằng nếu chính phủ tiếp tục mở rộng cửa hơn cho khách du lịch thì ngành công nghiệp này sẽ phát triển
Chiến lược du lịch phù hợp sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế
Masanori Nishino, người phát ngôn của Visit Hachinohe, một tổ chức xúc tiến du lịch địa phương, cho biết: “Tôi hy vọng chính phủ thực hiện các bước đi gia tăng thêm động lực cho du lịch trong nước”.
Trên bình diện quốc gia, trước khi đại dịch xảy ra, du lịch Nhật Bản đã ghi nhận nhiều thành công lớn, với mức kỷ lục 31,8 triệu lượt khách vào năm 2019. Doanh thu du lịch năm 2019 đạt 4,8 nghìn tỷ yên (34,5 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại) – nhiều hơn giá trị xuất khẩu của một số lĩnh vực công nghiệp chính của Nhật Bản, chẳng hạn như linh kiện điện tử (4 nghìn tỷ yên) và thép (3,1 nghìn tỷ yên).
Nhưng hơn hai năm bị ảnh bởi bởi đại dịch Covid-19 đã chấm dứt đà tăng trưởng này. Và hiện tại, khi Nhật Bản đang có những bước đi dự kiến nhằm phục hồi ngành công nghiệp này, các chuyên gia cho rằng Tokyo đang có cơ hội cân nhắc xem họ muốn phát triển du lịch như thế nào. Một trọng tâm lúc này là thời điểm Nhật Bản mở cửa biên giới rộng rãi và cách họ tận dụng lợi thế từ vị trí số 1 (trong Chỉ số Phát triển Du lịch và Đi lại mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được công bố vào tháng Năm năm nay) như thế nào?. WEF đã đánh giá cao tài nguyên văn hóa và cơ sở hạ tầng sân bay của nước này.
Du khách tới Nhật Bản ngày 22/6 – sau khi nước này mở cửa cho khách đoàn. Ảnh: Nikkei Asia
Vào tháng 6, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu cho phép khách du lịch nhập cảnh theo các chuyến tham quan theo nhóm. Trong bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 lại gia tăng, Thủ tướng Kishida tuần trước cho biết ông sẽ không thắt chặt kiểm soát biên giới một lần nữa. Chính phủ Nhật Bản vẫn coi du lịch là trụ cột trong chiến lược tăng trưởng và là “chìa khóa để phát triển khu vực”.
Du lịch cũng có thể giúp một nền kinh tế đang gặp khó khăn do dân số giảm. Theo thống kê của chính phủ nước này, tổng dân số của Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái đã giảm 0,51% so với cùng kỳ năm trước.
Hachinohe là một trong nhiều thành phố phải hứng chịu sự sụt giảm dân số này. Vào năm 2021 và sau 16 năm suy giảm liên tiếp, thành phố chỉ còn 223.000 cư dân. Tháng 4 năm nay, một cửa hàng bách hóa địa phương đã kinh doanh được 50 năm đã phải đóng cửa.
Việc mở rộng du lịch tới các địa điểm như Hachinohe có thể giúp hồi sinh nền kinh tế của địa phương và cũng giúp giảm bớt áp lực của “du lịch quá mức” tới các điểm đến phổ biến hơn, đặc biệt là nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục hướng đến mục tiêu đạt 60 triệu du khách vào năm 2030, được đưa ra từ trước đại dịch.
Các chuyên gia cho rằng lượng du khách đổ xô đến Kyoto, Osaka và Tokyo đã khiến cư dân địa phương choáng ngợp. Ví dụ, những ngôi đền thanh bình của Kyoto thường rất đông du khách chụp ảnh selfie. Trong khi đó, phần còn lại của Nhật Bản hầu như không được hưởng lợi.
Một cuộc khảo sát năm 2019 của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho thấy 47% du khách dừng chân ở Tokyo và 39% đến Osaka. Trong khi đó, chỉ 0,7% người được hỏi đã đến thăm tỉnh Aomori, tỉnh nhà của Hachinohe.
Định hướng lại các điểm đến và thị trường
Joseph Cheer, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Du lịch, Đại học Wakayama, miền Tây Nhật Bản, cho biết chính phủ nên nhìn xa hơn các điểm đến phổ biến và chuẩn bị các điểm đến khác để mở cửa du lịch trong thời kỳ hậu Covid.
Ông Cheer nói: “Về mặt lập kế hoạch dài hạn, điều thực sự cần thiết là một chiến lược đưa khách đi khắp cả nước thay vì để họ tập trung ở các khu vực chính. Chiến lược này cần có sự hỗ trợ của chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo và hỗ trợ địa phương xây dựng khả năng đón khách du lịch quốc tế”.
Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm đào tạo tiếng Anh cho nhân viên tại các trung tâm thông tin và nhà trọ truyền thống, hoặc cung cấp các ưu đãi tài chính cho các doanh nhân phát triển du lịch ở các vùng nông thôn, ông Cheer nói.
Trong khi vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, du lịch Nhật Bản vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đối mặt.
Ngoài việc quá tải du lịch tại một số điểm đến, một yếu tố khác là Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào du khách Đông Á.
Năm 2019, riêng Trung Quốc đã chiếm 30% tổng lượng khách. Tiếp theo là Hàn Quốc với 17%. Ông Norihiko Imaizumi, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho rằng đây là “sự phụ thuộc quá mức” vào các nền kinh tế cụ thể. Từ góc độ điều chỉnh rủi ro, cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc này.”
Và điều này cũng đã mang tới nhiều hệ lụy như du lịch Nhật Bản đã bị ảnh hưởng khi các mối quan hệ ngoại giao đi xuống. Khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản đã giảm 26% trong năm 2019 so với năm 2018 khi mối quan hệ song phương xấu đi. Hơn nữa, lập trường nghiêm ngặt của Trung Quốc về việc phòng chống Covid-19 đồng nghĩa với việc Nhật Bản không thể trông chờ vào việc du khách Trung Quốc sớm quay trở lại.
Dù việc quản trị rủi ro không có nghĩa là Nhật Bản nên từ bỏ các thị trường Đông Á này nhưng các chuyên gia cho rằng sự cân bằng là quan trọng. Ông Imaizumi gợi ý rằng việc tăng số lượng du khách đến từ châu Âu, Mỹ và Úc sẽ có lợi. Còn giáo sư Cheer nói rằng Nhật Bản nên tập trung vào các thị trường khác, chẳng hạn như Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Ông Cheer nói: “Tôi cảm thấy điều mà chính phủ Nhật Bản cần trong việc lập kế hoạch là xem xét cách phát triển du lịch từ các quốc gia gần gũi với chúng tôi. Ưu điểm của việc thúc đẩy các thị trường này là họ gần với Nhật Bản, đường bay không dài, giá vé không đắt”. Ông nói thêm rằng có rất nhiều nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á luôn dành nhiều thiện chí và sự quan tâm đối với người Nhật và văn hóa Nhật Bản.
An Bình