Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Tại buổi làm việc, ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Chương trình Giảm cầu Ngà voi của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết, từ 2010 đến 2018, chỉ tính riêng trên toàn lục địa đã có khoảng 157.000 cá thể voi bị săn bắn và quần thể voi đã giảm hơn 100.000 cá thể trong giai đoạn 2007 đến 2017, xuống còn khoảng 400.000 đến 570.000 cá thể voi châu Phi. Trung Quốc hiện là quốc gia có lượng tiêu thụ ngà voi lớn nhất trên toàn cầu với 6,8% khách du lịch Trung Quốc mua ngà voi khi đi du lịch ngoài lãnh thổ Trung Quốc và hầu hết là từ việc săn bắn trái phép.
Ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Chương trình Giảm cầu Ngà voi của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Quản lý Chương trình Giảm cầu Ngà voi WWF-Việt Nam cho biết thêm, theo khảo sát thường niên lần thứ 5 của Tổ chức, tuy lượng tiêu thụ ngà voi năm 2021 có chiều hướng giảm dần. Chính phủ Trung Quốc và Thái Lan đã có lệnh cấm buôn bán trái phép ngà voi, lượng tìm kiếm và việc mua bán vẫn tiếp tục diễn ra. Với Dự án “Giảm cầu ngà voi thông qua việc tăng cường thực thi pháp luật và thực hành du lịch trách nhiệm”, WWF-Việt Nam hy vọng sẽ tận dụng tối đa sự hiểu biết của các đối tác về du lịch nhằm xây dựng và điều chỉnh các thông điệp, nâng cao ý thức bảo tồn động vật hoang dã và voi cho các du khách, từ đó góp phần giảm áp lực săn trộm voi trong tự nhiên bằng cách giảm nguồn cung ngà voi và giảm cầu ngà voi tại các thị trường châu Á.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch rất hoan nghênh các dự án về bảo tồn động vật hoang dã nói chung cũng như dự án của WWF-Việt Nam nói riêng nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững và nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã trong hoạt động du lịch. Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia, Tổng cục Du lịch sẵn sàng trở thành đối tác đồng hành cùng Dự án, Tổng cục Du lịch cũng sẽ có những chỉ đạo tới các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương để nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án cũng như hỗ trợ tuyên truyền trên các trang thông tin chính thức của Tổng cục Du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu (trái) phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng gợi ý về việc sử dụng các tài liệu của dự án liên quan tới du lịch trách nhiệm, bảo vệ môi trường, xã hội và động vật hoang dã và voi trong ngành du lịch. Về công tác truyền thông nhận thức, trong các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, sẽ đan xen thông điệp về giảm cầu ngà voi, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Phối hợp với các bên liên quan cùng các nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencers) để quảng bá cho dự án.
Nhân đây, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đề nghị Tổ chức WWF cần có giải pháp linh hoạt, hiệu quả để đánh giá mức cải thiện và sự nâng cao về nhận thức của mọi người về giảm cầu ngà voi. Theo Phó Tổng cục trưởng, có rất nhiều kênh truyền thông đưa thông tin lan rộng ra đại chúng như qua các trang web về bảo vệ động vật, môi trường, qua các trang mạng xã hội, hội nghị, hội thảo chuyên đề,… Tuy nhiên, phản hồi chứng thực trên thực tế từ khách du lịch, hướng dẫn viên và điểm đến du lịch mới là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã và voi, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Tiếp thu ý kiến từ Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Quản lý Chương trình Giảm cầu Ngà voi WWF-Việt Nam Vương Quốc Chiến bày tỏ mong muốn Tổng cục Du lịch sẽ cùng đồng hành, đóng góp ý kiến cho dự án. Bước đầu, dự án sẽ tập trung vào 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam đó là Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội, dự kiến, dự án sẽ kéo dài trong 3 năm. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu giao Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối, tiếp nhận thông tin và sẽ có văn bản chính thức gửi tới WWF-Việt Nam sau khi nhận được bản giới thiệu chi tiết về dự án.
Sản phẩm tuyên truyền của WWF-Việt Nam cho các chương trình liên quan đến phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch