Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, vì quốc kế dân sinh


Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh và tìm ra giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời tạo động lực triển khai thực hiện “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam”, trong đó sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, nâng cao giá trị, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum về việc vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam (Ảnh: TCDL)


Đến dự hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo, đây là việc làm có ý nghĩa để thực hiện phương châm quốc kế dân sinh cho người dân, giải quyết việc làm cho người dân thông qua phát triển các sản phẩm sâm Ngọc Linh.


Chủ tịch nước cho rằng, hội thảo không chỉ nói về cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh, mà còn cần tìm những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển giống cây này, đem lại hy vọng mới trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, cạnh tranh với các quốc gia có quy mô trồng và sản xuất sâm lớn.


Những vấn đề, thách thức đặt ra hiện nay đối với phát triển sâm Ngọc Linh là thay đổi thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng sâm, sâm giả, khoa học công nghệ còn hạn chế, nhất là bảo tồn nguồn giống.


Sâm Ngọc Linh ngoài những giá trị về sức khỏe còn có tiềm năng kinh tế to lớn. Với tiềm năng và giá trị sâm Ngọc Linh, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ. Vì vậy hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum rất cần nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, các Bộ ngành.


Chủ tịch nước cũng yêu cầu bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, ưu tiên chất lượng; học hỏi công nghệ sản xuất của các nước bạn; bảo vệ nguồn gen thuần chủng không lai tạp, làm tốt chỉ dẫn địa lý; đảm bảo các điều kiện trồng và sản xuất sâm Ngọc Linh; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp.


Chủ tịch nước mong rằng, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thực hiện tốt chiến lược nuôi trồng, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, biến sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, quốc bảo của Việt Nam.


Trao đổi tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết một định hướng chiến lược của du lịch Việt Nam là phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó sâm Ngọc Linh sẽ là một sản phẩm chủ lực. Phó Tổng cục trưởng cũng khẳng định sâm Ngọc Linh là một trong những thế mạnh độc đáo, riêng có mà du lịch Việt Nam sẽ hướng tới khai thác, phát triển. Ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như nông nghiệp, thương mại để thúc đẩy mạnh thương hiệu quốc gia này, tạo điều kiện cho cả khách nội địa và khách quốc tế được tận hưởng giá trị của sâm Ngọc Linh. Ngành du lịch sẽ định hướng các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình tour tham quan gắn với sâm Ngọc Linh.


Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh sau đại dịch Covid-19, những sản phẩm gắn với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đang được du khách rất ưa chuộng. Chắc chắn những giá trị mà sâm Ngọc Linh mang lại sẽ được du khách đón nhận, ưa chuộng. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương, cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước, nhất là phương thức truyền miệng của khách du lịch rất hiệu quả. Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức luân phiên Lễ hội Sâm Ngọc Linh, đây sẽ là sự kiện điểm nhấn thu hút du lịch ở hai địa phương này. Kỳ vọng sản phẩm du lịch gắn với sâm Ngọc Linh sẽ trở thành một trong những giá trị cốt lõi cho du lịch Việt Nam.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhận định, hội thảo lần này thể hiện niềm tin, tạo động lực thúc đẩy về trách nhiệm của địa phương và các đối tác, các doanh nghiệp liên quan đối với việc phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, góp phần khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, người dân tiếp tục đầu tư cho bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh.


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum Huỳnh Văn Liêm thông tin, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể, mang tầm chiến lược để phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế, trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia.


Để nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia và vươn tầm thế giới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đề xuất, cần xây dựng chương trình tổng thể về phát triển sâm Ngọc Linh, có cơ chế khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư; xây dựng chính sách, môi trường thông thoáng để ngành sâm phát triển. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh, nhất là trong lĩnh vực y tế và thực phẩm chức năng, xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước; nghiên cứu chế biến các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các loại sâm khác trên thị trường quốc tế. Ông Liêm cũng đề xuất nghiên cứu thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh. 


Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến nhận định, sâm Ngọc Linh hiện nay có vai trò, ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế địa phương, là thương hiệu mang tầm quốc gia, mà còn có tiềm năng lớn để phát triển thành thương hiệu mang tầm quốc tế và có thể được coi là “quốc bảo” của Việt Nam.


Đồng thời, ông nêu ra một số giải pháp phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như nâng cao năng suất, đảm bảo sản lượng cung cấp cho thị trường và cung ứng cho chuỗi sản xuất, chế biến sâu; hình thành được chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm.


Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành sâm. Đối với thị trường nước ngoài, cần xây dựng và triển khai chiến lược tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu nhằm tăng cường mức độ nhận diện, xây dựng hình ảnh ngành sâm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa công nghiệp chế biến, các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh.


Các doanh nghiệp về sâm cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.


Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành.


Trung tâm thông tin du lịch


Scroll to Top
Send this to a friend