Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Trong định hướng phát triển du lịch lâu dài, Cần Thơ xác định phải phát huy bản sắc sông nước gắn với hội nhập xu hướng phát triển xanh, bền vững của du lịch quốc gia, quốc tế.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Du khách quốc tế tham quan tại vườn dâu Phong Điền.
Cần Thơ là đô thị ven sông với khoảng 65km trải dài theo các dòng sông, quanh năm được phù sa bồi lắng. Điều kiện tự nhiên này giúp Cần Thơ phát triển đa dạng các vườn cây ăn trái. Hệ thống các cù lao và kênh rạch chằng chịt cũng tạo thuận lợi để Cần Thơ phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đây là loại hình vừa dựa vào những hình thức truyền thống vừa có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của du khách, không gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên và văn hóa sở tại. Tại Cần Thơ, loại hình du lịch này phát triển mạnh ở huyện Phong Điền, quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt.
Phong Điền được mệnh danh là vành đai xanh của TP Cần Thơ. Tại đây có hơn 8.500ha diện tích vườn cây ăn trái, cho sản lượng trái cây bình quân mỗi năm trên 105.000 tấn. Đây cũng là địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, được thành phố chú trọng trong xây dựng đô thị xanh. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, cho biết: “Ở Phong Điền có hơn 30 điểm vườn và liên kết phục vụ du lịch. Du lịch sinh thái là thế mạnh của Phong Điền, trong nhiều năm qua địa phương luôn tạo điều kiện để các nhà vườn, điểm kinh doanh phát huy loại hình du lịch này theo định hướng xanh, bền vững”. Theo đó, diện tích vườn trái cây tại Phong Điền trong những năm qua luôn được khuyến khích mở rộng, chú trọng đến các loại cây bản địa, đặc sản của địa phương, như: dâu Hạ Châu, măng cụt, sầu riêng… Nổi bật là các xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa có nhiều điểm vườn, đa dạng cây trái. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Những năm qua, Làng du lịch Mỹ Khánh đã mở rộng diện tích lên 30ha, trong đó 1/3 diện tích là vườn cây ăn trái. Tùy theo mùa, chúng tôi đều có các loại trái cây phù hợp phục vụ du khách với khoảng 20 loại”. Trong khi đó, anh Trần Thiện Cảnh, chủ Cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách, nói: “Vườn nhà tôi có hai loại cây đặc sản là dâu Hạ Châu và măng cụt, đều là vườn lâu năm. Khách đến đây ngoài trải nghiệm làm bánh có thể tham quan vườn. Chỗ này của tôi rất được khách quốc tế yêu thích bởi không gian mát mẻ, gần gũi thiên nhiên”.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch sinh thái ở Bình Thủy và Thốt Nốt cũng thu hút nhiều du khách. Trong đó, nổi tiếng là cồn Sơn, Bình Thủy, quanh năm đều có vườn cây xanh. Vốn được phù sa bồi lắng, các vườn cây tại cồn Sơn rất đa dạng và sai trái, như vườn chôm chôm Năm Phước, vườn nhãn Năm Minh, vườn ổi Thành Tâm, vườn nhãn Sáu Cảnh, vườn bưởi Phương My… Chị Phan Thị Kim Phước (Năm Phước), chủ vườn Song Khánh, cồn Sơn, cho biết: “Tại cồn Sơn có nhiều vườn cây chủ yếu là tận dụng vườn nhà làm du lịch. Tùy theo đặc điểm của từng nhà mà chúng tôi đưa các dịch vụ vườn tránh trùng lắp, du khách có thể tự lựa chọn các vườn muốn tham quan. Ngoài các giống cây quen thuộc của vườn lâu năm, chúng tôi cũng thử nghiệm một số cây giống mới cho năng suất chất lượng hơn để phục vụ du khách. Như là vườn chôm chôm, tôi trồng đến 3-4 loại khác nhau. Thử nghiệm cái nào chất lượng hơn thì để giống, nâng chất vườn cây”. Đồng quan điểm, cô Lê Hồng Điệp, chủ vườn ổi Cô Điệp, Thốt Nốt, nói: “Tôi trồng ổi theo phương pháp hữu cơ, cây cho trái quanh năm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Vì thế ổi luôn không đủ bán cho du khách. Sắp tới tôi cũng trồng xen canh thêm vài loại cây mới như vú sữa hoàng kim, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách”.
Phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững
Du khách tham quan tại vườn chôm chôm tại cồn Sơn, Bình Thủy.
Du lịch sinh thái tại Cần Thơ đang phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Xác định du lịch sinh thái là một trong những loại hình thế mạnh, ngành Du lịch Cần Thơ cũng có nhiều định hướng để đẩy mạnh phát triển. Các địa phương đều có quy hoạch phát triển cụ thể. Nổi bật là Phong Điền hiện đang lập quy hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái, trong đó triển khai thực hiện phân chia khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái: vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn; vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh. Cần Thơ cũng có một dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư là Khu du lịch sinh thái Phong Ðiền với tổng diện tích 40ha, nhằm khai thác các lợi thế sông nước miệt vườn nơi đây, hình thành khu vui chơi giải trí kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu resort, khu homestay, khu nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí đặc thù sông nước, khu trải nghiệm văn hóa miệt vườn.
Trong khi đó, Thốt Nốt có đề án Phát triển du lịch Tân Lộc, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đưa Tân Lộc trở thành một trong những điểm đến trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng hấp dẫn của Cần Thơ. Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc được xác định cụ thể như sau: hình thành khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin về du lịch cù lao; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam của cù lao. Trong đó tại khu vực đầu phía Bắc của cù lao phát triển theo mô hình sinh thái, dân dã của làng quê sông nước, còn khu vực phía Nam của cù lao phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao. Do đó, Thốt Nốt đang kêu gọi đầu tư nhiều hạng mục tại đây, như: hệ thống bến bãi, nhà trung chuyển, xây dựng các sản phẩm đặc trưng.
Tại cồn Sơn cũng có đề án “Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ trì, định hướng xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Du lịch cộng đồng Cồn Sơn” để khai thác tối ưu lợi thế tiềm năng du lịch bản địa tại cồn Sơn. Với đề án này, du lịch cồn Sơn sẽ được định vị thương hiệu một cách bài bản qua việc xây dựng nhãn hiệu, nâng chất sản phẩm du lịch cộng đồng Cồn Sơn, hướng đến phát triển bền vững. Bà Lê Thị Bé Bảy, thành viên của Hợp tác xã du lịch nông nghiệp cồn Sơn, cho biết: “Bên cạnh việc định vị cho thương hiệu cồn Sơn, chúng tôi mong muốn đề án là cơ sở phát huy lợi thế du lịch bản địa của cồn Sơn, trong đó chú trọng phát triển theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường”.
Trong đề án Phát triển sản phẩm đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định rõ du lịch sinh thái là một trong những sản phẩm du lịch cần được chú trọng đầu tư và phát triển. Bên cạnh sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch sông nước thì du lịch sinh thái là yếu tố quan trọng để tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho Cần Thơ. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái cần có quy hoạch tổng thể, định hướng trọng tâm, đầu tư. Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, cho biết: “Phong Điền, Thốt Nốt hay Bình Thủy đều có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương để có những định hướng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch, quan tâm khuyến khích các điểm vườn giữ, mở rộng vườn cây kết hợp nông nghiệp với du lịch, phát triển theo hướng bền vững”.
Ái Lam
Nguồn: Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn – Đăng ngày 11/08/2023