Thời gian gần đây, nhiều làng quê thay đổi nhờ cộng đồng dân cư cùng nhau làm du lịch (DL). Những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo đã phát huy thế mạnh từ tài nguyên bản địa giúp DL tại các làng quê xa xôi phát triển.
Du khách đến Homestay Maison du Bays de Ben Tre của Quách Duy Thịnh, xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm).
Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng
Năm 2020, Quách Duy Thịnh, sinh năm 1992, ngụ xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) nghỉ việc do dịch Covid-19 khi khu DL nơi Thịnh làm việc tạm ngưng hoạt động. Có kinh nghiệm 7 năm trong ngành DL, Thịnh quyết tâm vay ngân hàng 300 triệu đồng để mở Homestay Maison du Bays de Ben Tre ngay tại ngôi nhà mà Thịnh và bà nội đang sinh sống. Không gian ngôi nhà được Thịnh thiết kế rất đẹp mắt với khu ăn uống, khung cảnh làng quê và khu lưu trú cho du khách.
Quách Duy Thịnh cho biết: “Homestay Maison du Bays de Ben Tre tổ chức tour hoàn toàn từ tài nguyên bản địa như: đạp xe trong vườn dừa, tham quan vườn ca cao, bơi xuồng, tham quan vườn dừa, nhà thờ La Mã tại địa phương… Đồng thời, thưởng thức những món ngon từ đồng quê cho chính tay bà nội và mấy cô ở quê chế biến”.
Năm 2022, homestay của Thịnh đón hơn 1.000 khách DL với 80% là khách nội địa và 3 tháng đầu năm 2023 đón 620 lượt khách với 469 khách lưu trú. Nhờ có khách DL, Thịnh đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 5 lao động là người dân tại địa phương và kết nối với 4 hộ dân cùng làm DL để khai thác tối đa tài nguyên bản địa ngay tại địa phương.
Ông Lê Thành Rum, sinh năm 1974, ngụ ấp Hưng Hòa A, xã Thạnh Phú Đông, trước đây chăn nuôi bò và làm vườn tại địa phương. Hơn 1 năm nay, ông Rum trở thành hướng dẫn viên cùng chạy xe đạp với khách DL giúp ông có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Ông Rum cho biết: “Chỉ học hết cấp 2 nên suốt cuộc đời làm nông dân tôi không bao giờ nghĩ một ngày mình trở thành hướng dẫn viên DL. Bây giờ ngoài công việc làm nông nghiệp, khi có khách DL là tôi cùng đạp xe dẫn khách tham quan cảnh đẹp ở quê. Tôi ăn nói không chuyên nghiệp do chưa được đào tạo bài bản nhưng chất giọng của nông dân biết gì nói nấy khách DL lại rất thích”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1960, ngụ xã Hưng Lễ (Giồng Trôm) giờ chuyển qua làm DL từ diện tích 1,5ha vườn dừa xen ca cao nhờ liên kết với homestay của Thịnh. Ông Cường cho biết: “Trước đây tôi trồng ca cao xen trong vườn dừa nhưng hiệu quả không cao, bán giá khá thấp. Năm 2016, khu vườn chỉ còn gần 200 cây, mỗi khi thu hoạch bán giá 6.000 đồng/kg nên gia đình dự định đốn bỏ. Cách đây gần 2 năm, Thịnh đến đây đặt vấn đề liên kết đưa khách DL đến tham quan nên tôi mới giữ lại vườn ca cao cho tới nay”.
Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm vườn dừa xen ca cao của ông Nguyễn Văn Cường, xã Hưng Lễ (Giồng Trôm).
Hôm chúng tôi đến nhà ông Cường, có nhóm 5 khách DL người Pháp đến đây tham quan vườn dừa xen ca cao, trải nghiệm nghề nuôi ong, nuôi dê, thỏ của gia đình. Ông Cường dẫn khách DL tham quan và giới thiệu nghề nuôi ong, quy trình canh tác dừa, ca cao theo hướng hữu cơ.
Đến vườn của ông Cường, khách DL còn được tự tay hái ca cao, cho đàn dê ăn nên rất thích. Sau khi tham quan, khách DL sẽ thưởng thức món ca cao tươi ngay tại vườn. “Nhờ có khách DL nên tôi bán ca cao tươi tại chỗ với giá 25 ngàn đồng/ly, khỏi phải lo đầu ra như trước đây. Hai vợ chồng vừa chăm sóc vườn, chăn nuôi và có thu nhập từ khách DL nên cuộc sống rất ổn định”, ông Cường cho biết.
Bí thư Huyện đoàn Giồng Trôm Lê Thị Phi Yến cho biết: “Mô hình DL bạn Quách Duy Thịnh là một trong những mô hình dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Dự án khởi nghiệp của Thịnh đã đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp của Tỉnh đoàn tổ chức và đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực. Đây là mô hình dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi biết tận dụng nguồn tài nguyên bản địa tại địa phương và chính ngôi nhà nơi bạn sinh sống để phát triển DL dựa vào cộng đồng”.
Đảng viên đi đầu làm du lịch cộng đồng
Cù lao Đất có diện tích gần 2,2km2 với 240 hộ dân, 1.152 nhân khẩu nằm giữa sông Hàm Luông. Từ lâu đời, người dân nơi đây sống bằng nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua biển và đánh bắt thủy sản trên sông Hàm Luông. Đây là địa phương vùng sâu, cách trở đò ngang nhưng lại có tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển DL cộng đồng.
Tháng 11-2021, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – DL An Hiệp (Ba Tri) được thành lập để phát triển DL từ tài nguyên bản địa của địa phương. Đến nay, HTX có 96 thành viên với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. Đây là trong những HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát triển DL dựa vào cộng đồng tại khu vực cù lao Đất (ấp An Bình, xã An Hiệp). Điều đặc biệt, cả 4 hộ gia đình kết nối với HTX cùng phát triển DL cộng đồng đều là đảng viên, cán bộ ấp An Bình gồm: gia đình bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp, chi hội trưởng phụ nữ và cựu chiến binh ấp.
Bí thư Chi bộ ấp An Bình Trương Văn Đưng cho biết: “Bản thân tôi là thành viên HTX và là cán bộ tại ấp nên đi đầu mở điểm DL cộng đồng để kết nối với HTX. Khách đến đây sẽ được tham quan khu nuôi cá, tôm; bơi xuồng; rập cua và chế biến ngay tại nhà…”. Toàn bộ diện tích hơn 1ha đất của gia đình ông Đưng được làm bờ bao xung quanh để nuôi thủy sản và phục vụ khách DL. Bước đầu có một số đoàn khách DL đến đây trải nghiệm, ăn uống ngay tại diểm của gia đình ông.
Gần đó, điểm DL của gia đình ông Huỳnh Minh Ê, sinh năm 1949 (cựu chiến binh xã An Hiệp) được khai trương năm 2022. Ông Ê đặt tên cho điểm DL của mình là “Ông Năm Vân Tiên” vì mỗi khi có đoàn khách DL hay học sinh đến tham quan đều được ông đọc thơ Lục Vân Tiên (tác phẩm của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu) cho nghe nên ai cũng thích. Diện tích đất nuôi thủy sản của gia đình khoảng 1ha được nuôi tôm quảng canh và kết nối với HTX để phục vụ khách DL với hoạt động bơi xuồng, xem trò đua cua, đuổi cua mang đậm nét quê.
Em Nguyễn Thị Trúc Linh (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học An Bình) cùng các bạn được nhà trường dẫn đến điểm DL “Ông Năm Vân Tiên” cho biết: “Gia đình con ở tại đây nhưng lần đầu tiên con và các bạn được tham gia trò chơi đua cua, đuổi cua rất vui. Khi con cua bò vào ô có số của ai chọn sẽ nhận được phần thưởng nên bạn nào cũng hào hứng tham gia. Đến đây còn được nghe ông Năm đọc thơ Vân Tiên nên đứa nào cũng thích”.
Chủ tịch UBND xã An Hiệp Trương Trung Tính cho biết: Hiện tại, HTX kết hợp với 4 điểm cùng nhau phát triển DL trên cù lao Đất (ấp An Bình) giữa dòng sông Hàm Luông. Đến đây, khách DL sẽ được trải nghiệm cảnh bắt cua, tôm, câu cá, bơi xuồng trong ao tôm và tham quan Miếu Bà, đền thờ Lang lại Đại tướng quân… Đây là mô hình phát triển DL từ cộng đồng có sự tham gia của các hộ dân là cán bộ, đảng viên ấp An Bình và được các ngành, đoàn thể của xã tham gia hỗ trợ để giúp DL tại địa phương phát triển”.
Bài, ảnh: Hoàng Trung
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn – Đăng ngày 27/4/2023