Cộng đồng dân cư cũng là một trong những tài nguyên của địa phương. Thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch (DL) của tỉnh Bến Tre luôn được chú trọng đầu tư, với nhiều hình thức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dành cho nhiều đối tượng. Cộng đồng dân cư địa phương đang tham gia ngày càng tốt hơn vào khai thác DL.
Du khách trải nghiệm chặt dừa nước tại hộ ông Trần Văn Tám, cù lao Tam Hiệp (Bình Đại)
Nâng chất nguồn nhân lực du lịch
Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển DL là phát triển nguồn nhân lực DL. Theo đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo yêu cầu về năng lực, sức khỏe, trình độ, tính chuyên nghiệp. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước kết hợp với xã hội hóa để đào tạo nguồn nhân lực cho DL về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp tương thích với tiêu chuẩn nghề DL trong khối ASEAN.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành DL của tỉnh đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng, tập huấn DL, với sự tham dự của hơn 300 học viên, cùng với nhiều chương trình tọa đàm, hội nghị về phát triển DL cộng đồng được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực làm DL, tham gia trực tiếp vào hoạt động DL tại địa phương.
Người dân Bến Tre hiền hòa, mến khách, lịch sự, ứng xử có văn hóa, biết giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, biết tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của địa phương mình chính là nguồn nhân lực quan trọng nhất, góp phần cho phát triển DL.
Tại cù lao Tam Hiệp (Bình Đại), cùng tham gia làm DL với homestay Út Trinh còn có nhiều người dân tại địa phương. Cụ thể như gia đình ông Trần Văn Tám, ở Ấp 1, là một trong các điểm đến được homestay Út Trinh kết nối từ nhiều năm nay. Ngôi nhà của ông Tám bình dị nằm giữa vườn nhãn xuồng cơm vàng bạt ngàn của Tam Hiệp. Ông Tám là nông dân. Vợ ông có nghề làm bánh quê rất ngon, các con, cháu trong nhà nào giờ cũng đơn giản là lao động tại địa phương.
Tham gia làm DL, gia đình ông Tám đón khách đến chơi, mời khách thưởng thức trà mật ong, ăn bánh bông lan do vợ ông làm, nhãn xuồng nhà trồng, thử chặt dừa nước. Con trai ông Tám làm lái tàu DL. Con dâu trình diễn nghề bó chổi cho du khách xem. Đứa cháu nội vừa vào lớp 8 đã có 4 năm kinh nghiệm giao tiếp tiếng Anh với du khách nước ngoài đến nhà. “Tam Hiệp là cù lao bốn bề sông nước. DL là động lực lớn cho địa phương, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm. Ngày xưa chưa có khách thì mình là nông dân, làm vườn thôi, có du khách đến thì có thêm thu nhập cho gia đình và bà con dân cư gần đây cũng có việc làm”, ông Tám nói. Cùng làm DL với nhà ông Tám, nhiều bà con trong xóm cũng tham gia chèo đò để đưa khách qua rạch dừa nước.
Cũng ở Tam Hiệp, hộ anh Nguyễn Thanh Cường, với vườn lá sâm dây độc đáo đã tham gia làm DL hơn 4 năm nay. Khi đón khách đến vườn, anh Cường trực tiếp hướng dẫn khách tham quan vườn lá sâm, giới thiệu về lá sâm dây, hướng dẫn làm lá sâm uống và đãi khách bằng những ly lá sâm của nhà mình. Kết nối làm DL, giá trị thu được từ vườn lá sâm của anh Cường cao hơn trước. Anh mở rộng diện tích vườn, chuyên kinh doanh lá sâm, cây sâm non và lá sâm chế biến (dạng bột, dạng thạch). Anh Nguyễn Thanh Cường bày tỏ: “Mình đi học hỏi tự nâng cấp, những gì còn thiếu sót, trang bị tốt hơn để phục vụ khách”.
Người dân được trao quyền kể chuyện
Homestay Maison du Pays de Bến Tre, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm là một trong những đơn vị đang vận hành tốt mô hình DL cộng đồng. Chia sẻ cách làm DL của mình, anh Quách Duy Thịnh (chủ homestay Maison du Pays de Bến Tre) cho biết: “Chúng tôi tôn trọng tính bản địa, dùng nội lực sẵn có của địa phương và đưa góc nhìn mới mẻ vào chương trình để lồng ghép câu chuyện bản địa mang tính hài hòa. Trong đó, những nông hộ là chủ thể, mình chỉ là cầu nối để du khách và người dân bản địa được gặp gỡ nhau. Khi đó, người dân sẽ làm chủ trong câu chuyện DL của địa phương mình. Họ được trao quyền làm người dẫn chuyện và kể những giá trị tốt đẹp của quê hương, mảnh đất mà họ đang sinh sống”.
Với việc tham gia làm DL, người lao động địa phương có thêm việc làm và giúp người dân thêm tự hào về bản sắc, văn hóa quê hương mình. Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy liên kết làm tăng giá trị câu chuyện, làm giàu tư liệu câu chuyện và làm du khách hài lòng hơn với sản phẩm mình đưa ra. Liên kết với nông hộ sẽ đưa ra nhiều chương trình đặc sắc, muôn màu muôn vẻ làm cho sản phẩm DL thêm phần chất lượng và riêng biệt.
DL đã làm phong phú hơn nhịp sống của nhiều cư dân xứ cù lao, mang lại thu nhập và thay đổi đời sống của họ. Họ hiểu biết về DL hơn, yêu quê hương hơn, cùng nhau tham gia bảo vệ môi trường. Chị Phạm Thị Trinh (homestay Út Trinh) cho biết: “Để người dân địa phương cùng làm DL với mình thì mình phải kết nối được với họ, tạo thành mạng lưới của mình. Trước nay, người dân sinh sống bằng những nghề nghiệp khác, không có mình thì người ta vẫn sống được. Mình muốn họ cùng làm DL thì mình đến để nhờ họ, hướng dẫn họ cùng làm DL với mình. Mình cũng chú ý yếu tố tương tác giữa doanh nghiệp làm DL với cộng đồng địa phương, giữa khách với người dân. Doanh nghiệp là cầu nối, kết nối các hộ dân, tổ chức sắp xếp công việc cho họ để cùng vận hành tour DL suôn sẻ”.
DL nông thôn hiện là xu hướng sẽ ngày càng thu hút du khách, nhất là sau dịch Covid-19. Cùng với những sáng tạo, không ngừng đổi mới, sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương ngày càng nhiều chính là yếu tố tạo quyết định trong nỗ lực khai thác hệ giá trị văn hóa tài nguyên bản địa để khẳng định hình ảnh, giá trị và thương hiệu cho DL xứ Dừa.
Trong 9 tháng năm 2022, hoạt động DL trên địa bàn tỉnh Bến Tre có sự phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tổng lượng khách 956.104 lượt, tăng 307% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa 903.674 lượt, tăng 285% so với cùng kỳ, khách quốc tế 52.429 lượt. Tổng thu từ DL 1.163 tỷ đồng, tăng 382% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú DL đạt 80 – 90%. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn – Đăng ngày 30/9/2022