Tranh thủ nguồn vốn của dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, huyện Minh Long đang tập trung triển khai bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Lưu giữ văn hóa truyền thống
Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, năm 2023 huyện Minh Long đã mở 2 lớp truyền dạy đánh chiêng ba cho gần 100 học viên. Chiêng ba được người Hrê sử dụng phổ biến và đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghệ nhân Phạm Văn Sây, ở huyện Ba Tơ, là người truyền dạy chiêng ba cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 xã, học sinh người dân tộc thiểu số ở trường dân tộc nội trú và các trường THPT trên địa bàn huyện.
Nghệ nhân Phạm Văn Sây dạy kỹ thuật đánh chiêng cho thanh niên huyện Minh Long.
Thanh niên Đinh Văn Ghết, ở xã Long Hiệp chia sẻ, cứ mỗi dịp lễ, Tết là người già trong thôn tổ chức đánh chiêng. Khi thì tập trung tổ chức ở nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khi thì tổ chức tại nhà già làng để giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Em cũng tham gia học hỏi nhưng đánh chiêng chưa hay. Qua lớp học này giúp em nâng cao hiểu biết và kỹ năng đánh chiêng ba để cùng với các anh chị phát huy, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Trong thời gian một tuần, các học viên được nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Sây hướng dẫn cụ thể 4 bài chiêng cơ bản là chinh năng, chinh k’oa, chinh h’lay và chinh tuguốc. Ngoài việc nắm bắt các động tác đánh chiêng, các bài chiêng cơ bản, người học nắm rõ các kỹ năng phối hợp một bài chiêng từ tiết tấu, nhịp điệu, sự phối âm, phối bè, đến sự tài tình, tinh tế của người đánh chiêng.
Nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Sây cho biết, phải giới thiệu cho các cháu, các em biết chiêng ba của đồng bào Hrê gồm những làn điệu gì, bốn điệu cơ bản nào. Tôi chỉ rõ từng điệu một để các cháu biết thật cụ thể. Ví dụ như khi đánh chiêng ba (gồm chiêng cha, chiêng mẹ và chiêng con) thì phải tham gia đánh thế nào, tôi đều chỉ dẫn một cách chi tiết để sau này các cháu truyền lại cho thế hệ sau nữa.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp.
Cùng với mở các lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống, huyện Minh Long đã tập trung đầu tư, sửa chữa các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn. Toàn huyện có 27/31 nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của các tầng lớp nhân dân tại địa phương.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Minh Long Trần Thị Mỹ Lan cho biết, từ nguồn vốn đầu tư của dự án 6 và các dự án khác thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã đầu tư hạ tầng các thiết chế văn hóa. Riêng năm 2023, có 5 nhà văn hóa được xây mới và sửa chữa một số nhà văn hóa thôn. Đây không chỉ là không gian văn hóa, hội họp, sinh hoạt cộng đồng, diễn ra các hoạt động văn hóa – văn nghệ, mà còn là nơi trao truyền dạy, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản truyền thống.
Xây dựng điểm đến hấp dẫn
Theo kế hoạch thực hiện dự án 6 của huyện Minh Long, mục tiêu đề ra là khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong vùng dân tộc thiểu số từ trang phục, ẩm thực, tập quán, lễ hội… Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đủ chuẩn; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ hay câu lạc bộ truyền thống hoạt động.
Sinh hoạt văn hóa trong Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh năm 2023 tại xã Long Môn.
Hiện nay, Minh Long đang tập trung ưu tiên xây dựng sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch và bước đầu đã xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đó là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội trên cơ sở kết nối với Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Thác Trắng để đưa văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Hrê đến với du khách.
Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Thác Trắng Minh Long Lê Tấn Thanh Phương cho biết, đơn vị đã cùng UBND huyện tổ chức phục dựng lại một số nét đẹp văn hóa phi vật thể và vật thể của đồng bào dân tộc Hrê tại khu du lịch. Trong đó, tập trung khai thác các nét văn hóa có truyền thống lâu đời là văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, đơn vị cũng đang phối hợp với huyện để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đang được địa phương xây dựng và phát triển để giới thiệu cho khách tham quan.
Trải nghiệm chèo thuyền tại Khu du lịch sinh thái Thác Trắng (Minh Long).
Bên cạnh Khu du lịch sinh thái Thác Trắng, Minh Long còn có thác Sa Van, thác Hố Dội nằm trong những khu rừng tự nhiên. Đặc biệt, nơi đây còn có những đồi chè, là cây trồng lâu đời của đồng bào Hrê. Khi khách du lịch đến với Minh Long có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói… như người dân địa phương.
Hơn 2 năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê trên địa bàn huyện Minh Long có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở địa phương. Trong thời gian đến, ngoài việc triển khai dự án xây dựng khu bảo tồn văn hóa Hrê, huyện Minh Long tiếp tục tổ chức các hoạt động kiểm kê, sưu tầm và truyền dạy những loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Hrê; hướng hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Bài, ảnh: Thanh Thuận
Báo Quảng Ngãi – baoquangngai.vn – Đăng ngày 07/12/2023