Đó là cách làm được tỉnh triển khai thời gian qua, góp phần bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng; hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc để thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Dinh thự nhà Vương (Đồng Văn). Ảnh: Nguyễn Dịu
Chúng tôi đến Quản Bạ, huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc: Mông, Dao, Tày… Để khai thác tiềm năng và vẻ đẹp tự nhiên, các hộ dân đã đồng lòng thực hiện xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Đến đây, du khách có thể thấy sự đổi mới bởi những tường rào được chỉnh trang, điểm xuyến những bông hoa xinh xắn; đường vào nhà, sân trước của nhiều gia đình được đổ bê tông, lát gạch sạch sẽ; chuồng trâu, chuồng bò được di chuyển ra xa nhà ở. Trong nhiều gia đình, người dân mua sắm trang thiết bị, trang trí, trưng bày nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo. Tại một số thôn, xã, đội văn nghệ cộng đồng truyền dạy cho nhau các bài hát truyền thống của dân tộc mình để cùng ca hát và phục vụ du khách, góp phần tạo nên không gian đẹp, đáng sống tại huyện vùng cao miền biên viễn. Vì thế, Quản Bạ đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo của các dân tộc nơi đây, nhất là những nếp nhà trình tường được làm từ đất, giữ ấm vào ngày Đông giá buốt và tạo không gian thoáng mát vào mùa Hè. Kiến trúc nhà trình tường được xây dựng tuy giản đơn, nhưng lại rất chắc chắn, thể hiện được sự tính toán trong kỹ thuật xây dựng từ cổ xưa truyền lại cho thế hệ ngày nay. Ngôi nhà tạo cảm giác được sống trong không gian cổ xưa đầy mê hoặc, tĩnh lặng, đẹp nên thơ. Du khách cũng có thể ghé tới chợ, nơi bà con bày bán những mặt hàng nông sản tự trồng, tự nuôi được như rau, củ, quả, gà, vịt và cả những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc mà nhất định ai đến đây cũng nên thưởng thức như xôi màu, thắng cố, thịt treo gác bếp…
Hiện nay, toàn tỉnh có 35 làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là điểm du lịch cộng đồng được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Thôn Nặm Đăm có 52 hộ sinh sống, 100% là người dân tộc Dao. Người dân trong thôn vẫn gìn giữ kiến trúc nhà trình tường và các nét văn hóa truyền thống, như: Hát đối, hát giao duyên, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc… Tất cả tạo nên khung cảnh, không gian đặc sắc riêng cho mảnh đất Nặm Đăm và du lịch đã và đang là một trong những nguồn thu chính của người dân nơi đây.
Trong làng hiện có 28 hộ làm dịch vụ Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 150 khách/ngày đêm. Anh Lý Tà Sàng, chủ homestay tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ chia sẻ: “Hiện Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm vẫn giữ được truyền thống văn hóa, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực… đó là một trong những yếu tố để du lịch Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung sẽ “cất cánh” vào một ngày không xa. Là một trong những người làm du lịch, tôi cùng những hộ dân khác nỗ lực xây dựng hình ảnh Hà Giang là một điểm đến bản sắc văn hóa độc đáo, an toàn và thân thiện”.
Những làng văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình hay, cách làm mới như: Thôn Tiến Thắng, thôn Cao Bành, xã Phương Thiện; thôn Tha, thôn Khuổi My, Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) chủ yếu đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống, cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa; nơi đây hiện lên với không gian thơ mộng, trong lành được tạo bởi điểm nhấn là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi xanh mướt trên những ngọn đồi, với nhiều nét độc đáo về ẩm thực, trong các điệu múa dân gian; các dịch vụ nghỉ dưỡng chu đáo, hấp dẫn… chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách trong mùa du lịch này. Hay thôn Lùng Tao, Khuổi Lác (Vị Xuyên); Nậm An, Bản Khiềm (Bắc Quang); My Bắc (Quang Bình); Làng Giang (Hoàng Su Phì); Nấm Dẩn (Xín Mần); Bản Lạn (Bắc Mê); Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn); Bản Tòng (Mèo Vạc)… Với những đặc trưng riêng biệt, nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc như: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; lễ Cấp sắc của người Dao; Tết của người La Chí; Chợ tình Khâu Vai, cày trên nương đá; đấu ngựa, chọi dê… gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng vẫn được bảo tồn gìn giữ đến ngày nay khiến các làng văn hoá trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Có thể nói, xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch chính là đưa văn hóa vào phát triển KT – XH; thông qua đó, người dân tự nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của văn hóa, từ đó đề cao ý thức bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch là một hướng đi mới bền vững, góp phần thúc đẩy KT – XH, nâng cao đời sống người dân.
Nguyễn Dịu
Báo Hà Giang – baohagiang.vn – Ngày đăng 09/05/2023