Trước xu hướng du lịch cộng đồng đang dần trở thành loại hình du lịch có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể là địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Phiêng Phàng là thôn vùng cao, cách trung tâm xã Yến Dương, huyện Ba Bể khoảng 7 km. Nơi đây vẫn còn giữ được sự mộc mạc, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Dao đỏ cùng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Đến Phiêng Phàng vào mùa lúa chín, cùng thu hoạch, làm cốm, gói bánh từ gạo nếp Tài với bà con là một trải nghiệm thú vị. Phiêng Phàng cũng có những rừng trúc thẳng tắp, thác nước để du khách đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên bình an, thơ mộng. Phiêng Phàng hội tụ nhiều yếu tố để làm du lịch cộng đồng nhưng đến nay mới dừng lại ở tiềm năng.
Những ai từng đặt chân đến Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm đều cảm mến khung cảnh bình yên và con người nơi đây. Dưới mái nhà sàn xinh tươi là cuộc sống bình dị nhưng đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay. Dù làm gì, ở đâu, trong dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, phụ nữ Sán Chay vẫn mặc trang phục truyền thống với niềm tự hào riêng. Ở Khâu Đấng, những văn hóa liên quan đến lễ nghi vòng đời người vẫn được gìn giữ, phát huy. Nếu biết khai thác đây sẽ là những chất liệu quý là để làm du lịch cộng đồng.
Còn tại Mù Là, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm những lợi thế về địa hình, cảnh quan cùng nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông đã bước đầu được người dân và chính quyền địa phương khai thác làm du lịch trải nghiệm nhưng cũng chỉ ở mức nhỏ lẻ.
Làm du lịch cộng đồng từ đầu những năm 2000, đến nay, đồng bào người Tày ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) để lại những dấu ấn nhất định trong lòng du khách. Nhưng khi đặt lên bàn cân về lượng du khách với tỉnh bạn cùng làm du lịch cộng đồng như Quản Bạ, Đồng Văn, Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) thì vẫn còn rất khiêm tốn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Ma Thị Cử cho biết, dù mỗi địa phương có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, văn hóa nhưng rõ ràng ở Nam Mẫu có những lợi thế để so sánh, thu hút du khách. Đó là những nếp nhà sàn soi bóng mặt hồ Ba Bể thơ mộng, là nền văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, là những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo của núi, hồ, thác, động. Trung bình mỗi tháng các homestay ở Nam Mẫu chỉ đón khoảng 500 – 700 khách, con số này quá nhỏ so với 700 – 1.000 khách đến với bản Lác (Hòa Bình) mỗi ngày. Nếu ví hồ Ba Bể như nàng công chúa lộng lẫy giữa núi rừng Việt Bắc thì nàng công chúa đẹp ấy vẫn chưa được đánh thức.
Du lịch cộng đồng Ba Bể ngày càng thu hút du khách bởi nét hấp dẫn riêng biệt
Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Ba Bể đã quan tâm dành hơn 10 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch như: Đầu tư, xây dựng, nâng cấp bến xuồng, nhà vệ sinh công cộng ở bờ Bắc hồ Ba Bể, xây dựng điểm tiếp, đón khách Buốc Lốm, xã Khang Ninh; lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng chủ điểm động Hua Mạ và đảo Bà Góa… đáp ứng một phần yêu cầu ngày càng cao của du khách. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến với Khu du lịch Ba Bể đạt gần 60.000 lượt, vượt gần 40.000 lượt so với cả năm 2021.
Anh Cao Văn Đức, hướng dẫn viên của hãng Vietravel nhận xét: “Đưa du khách đến nhiều điểm tham quan, tôi thấy thắng cảnh hồ Ba Bể và các homestay ven hồ có nét hấp dẫn riêng biệt. Tuy nhiên, nơi đây có ít sản phẩm du lịch và các dịch vụ vui chơi giải trí khiến cho du khách dễ rời chân đi”.
Trước khi trở thành những điểm đến hấp dẫn, từ Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang), sang đến Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) đều phát triển du lịch cộng đồng tự phát. Có được bước đi vững chắc như hôm nay, các địa phương đã xác định rõ những mũi nhọn, lựa chọn hướng đi, các khu vực trọng điểm, cùng với đó là đề cao vai trò chủ thể của người dân.
Xác định đối với du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò là chủ thể tổ chức, quản lý, thực hiện và thụ hưởng; thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, huyện Ba Bể đã tổ chức công bố và ra mắt 4 Tổ du lịch cộng đồng tại các thôn Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi, Bản Cám. Tổ du lịch cộng đồng do Trưởng thôn làm Tổ trưởng và hoạt động dưới sự giám sát của UBND xã. Tổ có trách nhiệm điều phối, sắp xếp số lượng khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại thôn, tránh để xảy ra trường hợp cạnh tranh không công bằng, tăng, giảm giá dịch vụ không theo quy định; giám sát và đảm bảo chất lượng các dịch vụ du lịch trong thôn; phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; vi phạm nội quy, quy chế tại điểm du lịch…
Tổ du lịch cộng đồng 4 thôn ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể vừa ra mắt nhằm điều hành các hoạt động du lịch ngày càng nền nếp, quy củ và hiệu quả hơn
Ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, việc thành lập Tổ du lịch cộng đồng ở mỗi thôn sẽ giúp bảo đảm trật tự, điều hòa nguồn lợi về du lịch, kết nối tour, tuyến với các công ty du lịch. Đồng thời cùng với ngành Văn hóa, các đoàn thể chính trị – xã hội tại địa phương phục hồi, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo như nghề dệt thổ cẩm của người Tày vùng hồ, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian để phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế và tinh thần cho người dân trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng khẳng định, sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, tỉnh sẽ hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, lựa chọn tập trung đầu tư cho những điểm có tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Việc hỗ trợ về kỹ thuật cũng được quan tâm để các làng du lịch cộng đồng quản lý, vận hành bài bản, quy mô, phát triển bền vững, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp, nâng cao đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh sẽ đồng hành cùng các địa phương, cùng người dân để biến những tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa thành động lực cho du lịch cộng đồng phát triển…/.
Thu Trang
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn – backan.gov.vn – Đăng ngày 27/9/2022