(TITC) – Ngày 16/11/2022 tại Cần Thơ, UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm liên kết, hợp tác, kết nối các khu, điểm du lịch, khai thác hiệu quả đường bay Cần Thơ – Thanh Hóa. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường du lịch trọng điểm của Thanh Hóa, có khả năng thu hút lượng lớn du khách đến với địa phương.
Việc hợp tác, liên kết du lịch giữa Thanh Hóa và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã và đang được tập trung triển khai thông qua việc tổ chức và tham dự các sự kiện xúc tiến du lịch tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị
Việc đưa vào khai thác đường bay Thanh Hóa – Cần Thơ từ tháng 4/2019 với tần suất 3 chuyến/ tuần đã phục vụ hàng ngàn lượt khách du lịch Thanh Hóa đến với Cần Thơ, cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, qua đó góp phần tăng cường kết nối, giao thương, du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thanh Hóa và các tỉnh miền Tây.
Ông Nguyễn Văn Thi cho biết, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế, với 6 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (Thành Nhà Hồ, Di tích Lam Kinh, Đền Lê Hoàn, Đền Bà Triệu, Hang Con Moong, Thắng cảnh Sầm Sơn). Trong đó, di tích Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; có 102 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp…
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cùng các đồng chí lãnh đạo chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi khách du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và Hiệp hội Du lịch Cần Thơ
Trên cơ sở phát huy lợi thế từ sự khác biệt về điều kiện địa hình, tự nhiên, thời tiết và các đặc trưng văn hóa, Thanh Hóa rất coi trọng mở rộng thu hút thị trường khách du lịch từ các tỉnh phía Nam, thông qua đường hàng không.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, Cần Thơ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó việc mở rộng kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước luôn được đẩy mạnh. Thanh Hóa có nhiều thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch biển, du lịch sinh thái vùng núi… sẽ là những thế mạnh thu hút du khách miền Tây Nam Bộ.
Toàn cảnh hội nghị
Ngược lại, Cần Thơ có thế mạnh về du lịch miệt vườn, văn hóa sông nước… với 38 di tích văn hóa – lịch sử được xếp hạng (trong đó có 14 di tích cấp quốc gia) và 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ và nhiều công trình văn hóa như Đền thờ Vua Hùng, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam… sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách Thanh Hóa nói riêng, miền Trung nói chung.
Đánh giá cao những kết quả mà du lịch tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đạt được trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả một số nội dung như: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm, hướng tới sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khoẻ; tăng cường xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch; có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp du lịch… góp phần cùng với cả nước đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong tình hình mới.
Trung tâm Thông tin du lịch