(TITC) – Ngày 27/10, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Thông báo số 487/TB-UBND về Kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng tại Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên”.
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp, định hướng phát triển du lịch Khánh Hòa; đánh giá tình hình khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, đến Khánh Hòa nói riêng từ khi có chính sách mở hoạt động du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới để tìm giải pháp đồng bộ nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến; khôi phục, thúc đẩy phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp; đánh giá kểt quả việc hợp tác phát triển du lịch, tăng cường liên kết phát triển du lịch, hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch chung giữa Khánh Hòa và các tỉnh.
Tham dự hội thảo, lãnh đạo Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã có ý kiến tham luận về công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bên liên quan trong ngành du lịch để tích hợp dữ liệu vào các nền tảng quốc gia về du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống dữ liệu thống kê ngành du lịch, trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở, ứng dụng Quản trị và kinh doanh du lịch. Cùng với đó, cần tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ điểm đến nâng cao năng lực quản lý vận hành và phục vụ du khách, áp dụng hệ thống vé điện tử, phổ biến ứng dụng Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình du lịch…
Ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo Thông báo Kết luận, để thu hút thêm khách quốc tế đến Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp, hiến kế cho việc phục hồi phát triển thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường quốc tế Ấn Độ nhằm sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước đây, góp phần vào sự thành công chung của ngành du lịch.
Về hoạt động chuyển đổi số, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với sở, ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu đẩy mạnh số hóa các khu, điểm du lịch; triển khai giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ và phục vụ khách du lịch quốc tế; xây dựng các sản phẩm công nghệ nâng cao trải nghiệm khách du lịch; nghiên cứu triển khai các hoạt động giao dịch, thương mại điện tử; xây dựng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nghiên cứu đề xuất tổ chức ký kết, liên kết hợp tác phát triển với các địa phương trong khu vực; từ đó phối hợp xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc kết nối du lịch vùng miền để quảng bá thu hút, chia sẻ lượng khách quốc tế.
Khách quốc tế đến Khánh Hòa (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị Hiệp hội nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của khách Ấn Độ để làm việc với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các sản phẩm phù hợp phục vụ khách Ấn Độ; đồng thời chủ động làm việc, phối hợp với các Hiệp hội Du lịch các địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết, thu hút khách từ thị trường Ấn Độ và các thị trường khách quốc tế khác.
Bên cạnh đó, kịp thời tổng hợp phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách hỗ trợ du lịch; gửi Sở Du lịch Khánh Hòa, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, giải quyết.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận, cố gắng của lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian qua đã phát huy tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch địa phương; giao lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới cần có giải pháp, biện pháp quyết liệt hơn nữa để tránh xảy ra vấn đề tiêu cực ảnh hưởng môi trường du lịch, hình ảnh thương hiệu du lịch Khánh Hòa.
Đồng thời đề nghị Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, các hãng hàng không quan tâm, tạo điều kiện khôi phục các đường bay trước đây, mở thêm các đường bay mới, nhất là đường bay có thị trường khách tiềm năng đến với Khánh Hòa, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; trước mắt là thị trường Ấn Độ.
Các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch cao cấp mới phục vụ nhu cầu khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin du lịch