Hội nghị tập trung xem xét báo cáo của 4 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN, Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN, Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN, Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Đồng thời, Hội nghị đã xem xét thông qua mục tiêu và tiến độ thời gian triển khai Quy hoạch chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016-2025.
Từ đầu năm 2023 tới nay, ngành du lịch khu vực đã tiếp tục thúc đẩy triển khai Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2021-2025, triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 và Kế hoạch phục hồi sau Covid-19.
Cùng với đó, nhiều hoạt động, sự kiện sôi nổi cũng đã được phối hợp tổ chức, nhất là các hội thảo trực tiếp sau khi mở cửa du lịch. Đó là Hội thảo Kinh doanh Du lịch Sinh thái ASEAN tại Thái Lan tháng 3/2023; Hội thảo khu vực: Ra mắt và khởi động Dự án Tăng cường quản lý chất thải đô thị trong khu vực ASEAN (AMUSE) tại Indonesia tháng 4/2023; Diễn đàn Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN và Phiên họp Nhóm Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN lần thứ 3 tại Malaysia tháng 6/2023; Hội thảo ASEAN về Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tại Indonesia tháng 7/2023; Hội thảo Sửa đổi Tiêu chuẩn Cơ sở MICE ASEAN tại Thái Lan tháng 7/2023.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, theo thống kê, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN trong năm 2022 chỉ phục hồi khoảng 30% so với năm 2019. Tuy nhiên, do tất cả các nước thành viên đã mở cửa trở lại và dỡ bỏ các yêu cầu liên quan đến Covid-19, cho nên ngành du lịch khu vực đã dần phục hồi và trở nên sôi động hơn kể từ đầu năm 2023.
Trong năm 2022, nhiều dự án và sự kiện đã được tổ chức thành công. Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về “Sáng kiến và định hướng cho sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong phát triển du lịch” vào tháng 11/2022. Dự kiến, Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khu vực về du lịch lễ hội vào quý IV năm nay.
Nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Phó Cục trưởng đề xuất thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch nội khối ASEAN. Các quốc gia thành viên có thể hỗ trợ tốt hơn cho thương hiệu du lịch ASEAN, truyền thông khẩu hiệu và hastag mới trên các nền tảng truyền thông tương ứng của các quốc gia và tại các hội chợ du lịch lớn. Khai thác tiềm năng của các sản phẩm chuyên đề và sản phẩm du lịch liên kết giữa các nước ASEAN bằng cách tổ chức các sự kiện hoặc famtrip cho khu vực tư nhân và giới truyền thông, có thể theo chủ đề về du lịch tàu biển, du lịch caravan hoặc du lịch đường sông.
Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo và phát triển mạng lưới cho cả khu vực công và tư, tận dụng sự hỗ trợ của đối tác bên ngoài. Các quốc gia thành viên cũng nên thảo luận kỹ lưỡng về việc thành lập Ban thư ký khu vực để triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP).
Nhân dịp này, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu thông báo kể từ ngày 01/7/2023, Tổng cục Du lịch Việt Nam chính thức đổi tên thành “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam”. Chức năng quản lý ngành du lịch và thực thi pháp luật về du lịch vẫn giữ nguyên.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về xây dựng Quy hoạch chiến lược du lịch ASEAN sau 2025; Hợp tác với các đối thoại ASEAN; Hợp tác du lịch tiểu vùng; Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024 diễn ra tại Lào, cũng như tiến độ chuẩn bị cho Hội nghị giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Bộ trưởng Giao thông ASEAN; Đề xuất của Lào cho Năm Chủ tịch ASEAN 2024; Đối thoại đặc biệt Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Nhật Bản; ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN và UNWTO.
Trung tâm Thông tin du lịch