(TITC) – Ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc đặc sắc của TP. Đà Lạt, là nơi ghi dấu đặc biệt lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam.
Ảnh: Yiru
Nhà ga được xây dựng từ năm 1932-1938, nằm trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang (Ninh Thuận). Ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Revêron.
Tuyến đường sắt có chiều dài 84 km, được khởi công xây dựng từ 1908, đến năm 1932 mới hoàn thành. Toàn tuyến có 12 ga, 5 hầm chui. Đây là tuyến đường sắt đặc biệt, bởi có 16 km là đường sắt răng cưa để leo dốc (độ dốc trung bình là 12 độ). Năm 1972, tuyến đường sắt bị chiến tranh phá hủy. Năm 2001, ga Đà Lạt đươc công nhận là “Di tích lịch sử cấp Quốc gia”.
Hiện nay, ga Đà Lạt là điểm du lịch hấp dẫn. Nhà ga duy trì 1 đoàn tàu có 1 đầu máy và 4 toa – đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (cách trung tâm Đà Lạt 7 km, hết 25 phút). Khách du lịch đi trên cung đường này được thỏa thích ngắm nhìn, chiêm ngưỡng phong cảnh ngoại ô Đà Lạt, thơ mộng và hữu tình. Đây là địa điểm mà du khách ít nhất có một lần đến Đà Lạt để thưởng ngoạn và trải nghiệm.
Trung tâm Thông tin du lịch