Cà Mau: Ðột phá kinh tế xanh

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời không nơi nào có được, với hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập mặn và 3 mặt giáp biển. Nơi đây còn hội tụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, nhất là tiềm năng tôm – rừng, tôm sinh thái và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng – du lịch xanh.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm chia tách huyện Ngọc Hiển vừa qua, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Vùng Ðất Mũi là địa điểm thiêng liêng, trọng điểm để khai thác, phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau, với tỷ lệ du khách tăng bình quân hằng năm 6%. Cùng với đó, Ngọc Hiển cần tiếp tục phát huy thế mạnh sản phẩm chủ lực con tôm, cua mang đậm thương hiệu Cà Mau, với loại hình sản xuất sinh thái, xem đây là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện thời gian tới”.

Phát huy thế mạnh

Ngọc Hiển là huyện cực Nam Tổ quốc, điều kiện tự nhiên thuận lợi, có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar thứ 2.088 thế giới và thứ 5 của Việt Nam, với hệ sinh thái rừng ngập mặn, động vật dưới tán rừng, ven biển phong phú, đa dạng. Ðặc biệt, có tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối giao thông đường bộ thông suốt. Huyện có 2 khu du lịch cấp tỉnh, trong đó, Khu Du lịch Mũi Cà Mau được đầu tư nhiều hạng mục công trình quy mô để phục vụ du khách, có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 2 di tích lịch sử cấp tỉnh. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với các loại hình: tham quan di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch xuyên rừng, trải nghiệm, nghỉ dưỡng… Ðó là những yếu tố thuận lợi để huyện phát triển du lịch hiện tại và trong tương lai.

Rừng đước tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau là nơi khám phá và check-in lý tưởng.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch, Ngọc Hiển cũng là địa phương đứng đầu về diện tích nuôi tôm sinh thái và các mặt hàng chủ lực như tôm, cua của tỉnh. Trong đó, tôm sinh thái 19.400 ha/4.313 hộ nuôi, năng suất tôm từ 200-220 kg/ha/năm, cua 150-200 kg/ha/năm); còn lại là nuôi tôm bán thâm canh trên 26.000 ha, thâm canh, siêu thâm canh khoảng 263 ha, năng suất từ 10-15 tấn/ha/vụ) và quảng canh gần 7.000 ha.

Những năm qua, năng suất và sản lượng thuỷ sản của huyện không ngừng tăng lên, diện tích nuôi tôm sinh thái được chứng nhận ngày càng tăng. Ðến nay có gần 10.000 ha/1.977 hộ, tăng 49,4% so với năm 2015, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP…

Tôm sinh thái Ngọc Hiển nổi tiếng ngọt ngon.

Huy động nguồn lực đầu tư

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Ðể từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nuôi thuỷ sản, tôm sinh thái trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện có hiệu quả Ðề án “Phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch, dịch vụ huyện Ngọc Hiển giai đoạn 2021-2025”, huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư từng bước phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương”.

Huyện đã và đang kêu gọi, thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có đủ điều kiện đầu tư hạ tầng, phát huy thế mạnh của địa phương như: xây dựng dự án điện gió; cảng cá; các trại sản xuất tôm, cua giống đạt các chứng nhận an toàn sinh học, hữu cơ… để tạo ra con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi tại chỗ và cung ứng cho các địa phương khác.

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi dưới tán rừng hướng đến chứng nhận hữu cơ, sinh thái, VietGAP, Global GAP, ASC…, năng suất tôm đạt từ 350-400 kg/ha/năm; cua đạt từ 208 kg/ha/năm trở lên, gắn với xây dựng thương hiệu tôm sú, cua Cà Mau.

Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi thuỷ sản tăng bình quân 2,1%/năm; riêng tôm tăng bình quân 5,3%/năm, cua tăng bình quân 3,08%/năm.

Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng hộ ông Lê Văn Tánh, ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi.

Huyện đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và nâng chất hoạt động phục vụ khách du lịch tại Làng Văn hoá du lịch Ðất Mũi; hình thành 4 tuyến tham quan xuyên rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; khảo sát mở mới 1 tuyến du lịch xuyên rừng từ Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Viên An – Cồn Cát – Ðất Mũi dài khoảng 21 km; phát triển mới 2 điểm du lịch cộng đồng và nhiều sản phẩm đặc trưng; có 10 sản phẩm đăng ký chương trình OCOP và 5 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sử dụng đối với 2 nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc” và “Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau”, 1 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý “Cá thòi lòi Ðất Mũi”…

Khai thác tốt các sản phẩm du lịch; gắn với phát triển ngành hàng chủ lực tôm – rừng, tôm sinh thái… là hướng đi chắc, bền cho huyện Ngọc Hiển./.

Loan Phương

Nguồn: Báo Cà Mau – baocamau.com.vn – Đăng ngày 15/02/2024

Send this to a friend