Chuyển đổi số: Động lực phát triển du lịch bền vững ở Quảng Ninh


Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc thay đổi hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch “không chạm” của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu trong ngành du lịch hậu Covid-19. Do đó, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0.


Tại Quảng Ninh, du lịch là một trong những ngành được tỉnh quan tâm đặc biệt, chú trọng tiên phong trong việc chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách ở cả trong và ngoài nước. Điều đó đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số dưới nhiều hình thức để tăng cường năng lực cạnh tranh khi trở lại đường đua du lịch.



Du khách tự check-in nhận phòng tại SOJO Hotel Ha Long


Hoạt động lưu trú là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu và không thể thiếu của mỗi chuyến du lịch. Vì vậy, không ít các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Hạ Long đã tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số, nổi bật trong đó là SOJO Hotel Ha Long – khách sạn thuộc chuỗi khách sạn thuận ích SOJO Hotels tại Việt Nam. 


Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc SOJO Hotel Ha Long, cho biết: Chuỗi khách sạn SOJO nói chung là thương hiệu khách sạn tiên phong tại Việt Nam thực hiện mô hình khách sạn thuận ích, khách sạn “không điểm chạm” thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc người với người, giữa người với vật dụng, mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa; đặt các dịch vụ, phòng nghỉ trực tiếp với nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến… Vì vậy, khi đến với SOJO Hotel Ha Long, du khách hoàn toàn có thể đặt phòng nghỉ trên hệ thống SOJO app của khách sạn. Mọi thủ tục nhận phòng hay trả phòng đều do du khách tự thực hiện và hoàn tất mà không cần thông qua sự trợ giúp hay hướng dẫn của nhân viên, lễ tân.


Chị Phạm Thị Tố Nga (du khách Hưng Yên), chia sẻ: Trải nghiệm tiện ích đặt phòng, nhận phòng, trả phòng, mở cửa, gửi đồ… qua SOJO app tức là chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh của chính mình tôi thấy rất thú vị và thuận tiện vô cùng. Vào trong phòng nghỉ, du khách cũng sử dụng điện thoại của mình tùy ý điều chỉnh hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, đổi màu cabin tắm, kéo rèm, điều khiển tivi… cũng rất hiện đại. Tôi đánh giá cao mô hình khách sạn này sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, giúp du khách chủ động, tiết kiệm thời gian và hạn chế được tiếp xúc đông người.



Du khách quét mã QR thanh toán phí vé tham quan Vịnh Hạ Long


Trong số các điểm đến hấp dẫn tại Quảng Ninh đang bắt nhịp tốt với chuyển đổi số không thể không kể đến cách làm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã và đang góp phần đưa du lịch Hạ Long ngày một hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập. Theo đó, từ tháng 6, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện thu phí vé tham quan Vịnh Hạ Long bằng internet banking và quét mã QR. Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử hiện chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch thu phí tham quan vịnh và đang tiếp tục tăng lên. Cùng với đó, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt.


Chị Nguyễn Thu Trang (du khách Hà Nội) cho biết: Hiện nay phần lớn ai cũng có điện thoại thông minh, các cửa hàng dịch vụ mua sắm, ăn uống thì hầu hết đều có thể quẹt thẻ, chuyển khoản, quét mã để thanh toán nên mọi người không còn thói quen mang nhiều tiền mặt theo người. Vì vậy, với việc thanh toán tiền vé thăm vịnh bằng internet banking và quét mã QR sẽ giúp thuận tiện rất nhiều cho du khách nhất là với những đoàn khách số lượng lớn thì việc thanh toán này sẽ nhanh chóng, chính xác hơn nhiều.


Trước đó, vào tháng 4, du khách tham quan Vịnh Hạ Long đã được áp dụng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan vịnh và dịch vụ hành khách qua cảng thay vì mua vé giấy như trước kia. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận tiện cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh một cách nhanh chóng. Theo kế hoạch chuyển đổi số, thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục thực hiện số hóa hệ thống thông tin, triển khai bán vé tự động, trợ lý ảo du lịch bằng trí thông minh nhân tạo AI…


Một điểm đến khác đang thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan trong dịp hè này đã và đang triển khai chuyển đổi số rất hiệu quả là Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là bảo tàng cấp I trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Ngoài hệ thống hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh còn được chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình ti vi, màn hình Led và màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị.



Bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh ghi nhận lượng truy cập tăng cao trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát


Ngoài ra, Bảo tàng Quảng Ninh cũng là bảo tàng tiên phong trong cả nước xây dựng bảo tàng ảo. Đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh sử dụng công nghệ 3D để khiến không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi.


Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Đồng thời, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch, gồm: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số… Đây cũng chính là nền tảng quan trọng, cơ sở để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, phát triển du lịch thông minh của ngành du lịch của cả nước nói chung và tại Quảng Ninh nói riêng.  


Vì vậy, để nắm bắt kịp thời, hiệu quả những định hướng, hoạt động hỗ trợ này, thời gian tới, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ chủ động, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động… vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…



Ngành du lịch Quảng Ninh đang tăng cường thúc đẩy quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội


Những chuyển động tích cực đã và đang hình thành môi trường du lịch số đồng bộ và tạo thuận tiện cho du khách. Đây chính là động lực để du lịch Quảng Ninh tiếp tục chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ, tạo dựng điểm đến du lịch văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế.


Duy Khoa

Scroll to Top
Send this to a friend