Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; PGS. TS Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; TS.Trần Văn Túy, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Công tác Đại biểu; đồng chí Hà Ngọc Chiến, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; đồng chí Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; TSKH. Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tham dự hội thảo về phía Tổng cục Du lịch có Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc. Hội thảo cũng có sự tham dự của các đại biểu đại diện các bộ, ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo Sở quản lý du lịch các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc…
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, lưu giữ hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Những giá trị đặc sắc đó đang được thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ phát huy và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội. Đặc biệt đối với ngành du lịch thì những giá trị này đã và đang trở thành một nguồn lực to lớn để khai thác phát triển du lịch đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế – xã hội đồng bào các dân tộc miền núi tại các tỉnh chiến khu Việt Bắc.
Vì vậy, thông qua hội thảo này Hội đồng Dân tộc mong muốn nhận được nhiều ý kiến, tham luận để cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho thực hiện chức năng lập pháp, giám sát; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quyết định những cơ chế, chính sách phù hợp cho liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Đồng thời thực hiện có hiệu quả nội dung Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, khu vực Việt Bắc hoàn toàn có thể coi nhóm sản phẩm du lịch về nguồn, lịch sử cách mạng là sản phẩm đặc thù nổi bật nhất với nhiều loại hình du lịch khác nhau bao gồm: Tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử; kết hợp với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, tâm linh và khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của từng địa phương.
Các tỉnh thành trong vùng đã thực hiện việc liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch cũng như xúc tiến quảng bá nhằm định vị hình ảnh du lịch vùng “chiến khu Việt Bắc” với các hoạt động thu hút du khách như Festival chè Thái Nguyên, Lễ hội thành Tuyên (Tuyên Quang), chợ tình Khau Vai, lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang); Liên hoan du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Hội xuân Ba Bể (Bắc Kạn); Lễ hội Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Lễ hội về nguồn Pác Pó (Cao Bằng)…
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng hiệu quả phát triển du lịch mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đa dạng và đặc sắc nơi đây. Vì vậy việc khai thác và đưa các giá trị di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển du lịch của vùng cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững của ngành du lịch. Đồng thời phải hướng đến sự liên kết phát triển bền vững trong hoạt động khai thác tài nguyên để ngành du lịch là thế mạnh của vùng. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương sẽ là những yếu tố quyết định đem đến sự thành công trong phát triển du lịch của vùng trong thời gian tới.
PGS. TS Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương tổng hợp các ý kiến thảo luận
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất nhận định đây là vùng du lịch rất đặc biệt, đặc sắc của cả nước, là chiến khu cách mạng, thủ đô kháng chiến đầu tiên của cả nước với hơn 1.000 điểm di tích lịch sử. Đây là vùng đất rộng lớn với 2/3 diện tích là hệ sinh thái núi đá vôi, với 3 công viên địa chất toàn cầu của cả nước. Độ che phủ rừng của vùng chiến khu Việt Bắc cao nhất cả nước, sản phẩm nông nghiệp phong phú, văn hóa đa dạng… là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, kinh tế du lịch của vùng chưa phát triển, mặc dù hầu hết các địa phương đều có chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc hiện nay chưa cao, chưa có cơ quan điều hành đủ mạnh để điều phối, chỉ đạo các hoạt động chung của cả vùng. Vì vậy theo các đại biểu cần phải hoàn thiện thể chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho vùng, đồng thời đưa ra những giải pháp, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử các mạng của vùng. Trong đó xác định liên kết phải là “chìa khóa” để phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin du lịch