Trang vàng du lịch Việt Nam – nơi cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng (Ảnh minh họa)
7. Một số đề xuất chuyển đổi số và đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới
7.1. Phát triển nền tảng du lịch số kết nối tới các kênh bán hàng trực tuyến
Các trang web của OTAs thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi nghiên cứu kế hoạch du lịch. Các trang web này cung cấp giá trị cho du khách ở tất cả các giai đoạn của quá trình quyết định: lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, đánh giá các lựa chọn thay thế, quyết định mua hàng và phản hồi, đánh giá trải nghiệm. Lợi ích của các khách sạn và doanh nghiệp du lịch khi đẩy sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến là khá lớn như: cho phép khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường mới; cho phép đi sâu hơn vào phân khúc và hướng tới mục tiêu các thị trường nhất định với các ưu đãi cụ thể; kiểm soát lượng hàng tồn kho cần cung cấp trên mỗi kênh và phân phối trên nhiều kênh; là kênh tiếp thị, quảng cáo hiệu quả; thương hiệu được biết đến và được khách hàng tin cậy, việc hiển thị trên nền tảng OTA quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho các khách sạn, doanh nghiệp du lịch sự công nhận thương hiệu toàn cầu.
Thông thường, các khách sạn, du lịch muốn kết nối tới các OTA thường làm việc trực tiếp và kết nối, đẩy sản phẩm trực tiếp. Việc này tốn khá nhiều thời gian và khó tiếp cận với các OTA nước ngoài. Nền tảng số này sẽ giúp kết nối các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam với các nhà phân phối (OTA – đại lý du lịch trực tuyến) và trung gian (sàn giao dịch du lịch trực tuyến) để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch.
7.2. Phát triển nền tảng thu thập, phân tích dữ liệu du lịch
Theo kinh nghiệm thế giới đã nêu trên, đa số cơ quan quản lý du lịch các nước đứng ra thiết lập, phát triển, quản trị nền tảng phân tích dữ liệu du lịch. Nền tảng số này thu thập dữ liệu du lịch từ nhiều nguồn khác nhau: Cơ quan quản lý du lịch trung ương, địa phương và các cơ quan trong chính phủ có dữ liệu liên quan về du lịch – doanh nghiệp ngành du lịch – OTA – cơ sở lưu trú,… Nền tảng số này sẽ phân tích các dữ liệu hữu ích như: thời gian lưu trú, xu hướng du lịch, mô hình chi tiêu, phân khúc du lịch, những điều thu hút khách du lịch.
Dữ liệu tổng hợp và phân tích này sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý du lịch một bức tranh toàn cảnh hơn về ngành du lịch, những chính sách cần điều chỉnh, bổ sung, mức độ phát triển của thị trường du lịch trong nước. Dữ liệu này cũng phục vụ cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và ưu đãi của họ cho khách du lịch; đồng thời tạo ra một thị trường bình đẳng hơn bằng cách cho phép những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế năng lực nắm được các thông tin quan trọng về thị trường. Các công ty du lịch có thể sử dụng dữ liệu từ nền tảng này để lập kế hoạch phục vụ kinh doanh, hướng tới nhóm đối tượng khách hàng phù hợp.
Trong nền kinh tế số, thì dữ liệu cũng là một nguồn vốn có giá trị không kém các loại tài sản hữu hình khác. Ngành du lịch có khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ rất nhiều nguồn về hành vi, thói quen, xu hướng, trải nghiệm du lịch và các đánh giá của du khách. Và vì vậy, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, mở dữ liệu là cách tốt nhất để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
7.3. Phát triển Cổng thông tin du lịch quốc gia trên cơ sở tích hợp thông tin sản phẩm du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch
Đây là một trang web trực quan, giới thiệu các điểm đến của đất nước, chia sẻ những việc hoạt động diễn ra trên khắp đất nước và cung cấp thông tin thực tế về cách thực hiện chúng; cung cấp cho khách du lịch những ý tưởng về kỳ nghỉ; giới thiệu các chiến dịch và thông tin điểm đến được phát triển theo chuyên đề, chủ đề xoay quanh các hoạt động phổ biến và các loại hình nghỉ ngơi. Website này cập nhật thông tin theo thời gian thực, được kết nối với các website của cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch, website du lịch địa phương… và lấy thông tin từ các website đó. Cổng du lịch quốc gia là “cửa ngõ”, là bộ mặt thông tin về du lịch của đất nước cho du khách. Cổng du lịch quốc gia giúp thu hút du khách ngay từ bước hình thành ý tưởng. Do đó, Cổng du lịch quốc gia cần được thiết kế “động”, thông tin theo thời gian thực.
7.4. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành du lịch chuyển đổi số
Xây dựng, ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số du lịch áp dụng cho các doanh nghiệp. Chỉ số này đánh giá tình trạng chuyển đổi số hiện tại của doanh nghiệp dựa trên các trụ cột: lãnh đạo và tổ chức, quy trình và hoạt động, khách hàng, đổi mới, công nghệ và dữ liệu. Đây là bộ chỉ số trực tuyến. Doanh nghiệp muốn tham gia đánh giá sẽ phải đăng ký trên hệ thống, nhập thông tin, hệ thống tự động đánh giá và chấm điểm. Tất cả đều thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống đánh giá.
Về phía cơ quan quản lý du lịch, trên cơ sở chấm điểm tự động, cơ quan nhà nước tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đây là bước đầu tiên quan trọng cho phép cơ quan quản lý du lịch xác định các hành động/trụ cột cần hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan.
Cơ quan quản lý du lịch xây dựng các giai đoạn trưởng thành của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp và danh sách các nền tảng số để khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng phù hợp với mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Chính phủ có trách nhiệm thúc đẩy sử dụng các nền tảng số (truyền thông, đào tạo, thí điểm, hỗ trợ công nghệ cơ bản như miễn phí tạo website cho doanh nghiệp,…).
7.5. Đào tạo kỹ năng số cho người dân
Khi người dân địa phương được trao quyền bằng cách đào tạo kỹ năng số sẽ mở ra cơ hội đầu tư rộng rãi từ các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến và cung cấp sự thuận tiện cho khách du lịch. Mặt khác, người dân địa phương cần phải được trao quyền kỹ thuật số vì họ là những người sẽ tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch và họ đóng vai trò chính trong việc tạo ra những điều đáng nhớ và trải nghiệm phong phú cho khách du lịch, đồng thời họ cũng là người tạo ra giá trị và cộng tác viên trong quảng bá hình ảnh quê hương mình như một điểm đến du lịch hấp dẫn.
(Ảnh minh họa)
7.6. Phát triển hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp đào tạo truyền thống
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin đã có những tác động lớn đến ngành giáo dục, đào tạo trực tuyến từ nhiều năm trước đây đã là khái niệm không còn mới mẻ đối với nhiều người, tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến cho việc dạy và học trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia. Trong tương lai, các khóa học trực tuyến chắc chắn sẽ trở thành hướng phát triển mới của nhiều cơ sở đào tạo bởi những ưu điểm thấy rõ của nó như giúp người học có thể tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn nhờ giảm chi phí đào tạo, hạn chế việc đi lại, chủ động, linh hoạt về mặt thời gian. Các cơ sở đào tạo cũng sẽ trở nên thành thạo và linh hoạt hơn trong việc cung cấp các khóa học theo nhiều phương thức khác nhau. Điều này cho phép họ đối phó với các tác động ngắn hạn và trung hạn do bệnh dịch, thiên tai gây ra đối với hoạt động đào tạo.
Đào tạo trực tuyến mở rộng cơ hội giao lưu với toàn cầu, những người giỏi nhất trong lĩnh vực du lịch ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể đào tạo sinh viên với tư cách là khách mời hoặc làm giảng viên thỉnh giảng. Những “mentor” – người cố vấn dày dặn kinh nghiệm trong nghề có thể nhận hướng dẫn, truyền cảm hứng cho sinh viên. Duy trì việc tổ chức những webinar, workshop online để kết nối mạng lưới giữa người dạy, người học và doanh nghiệp trên phạm vi rộng lớn nhằm cổ vũ tinh thần hoc tập, hướng đạo thái độ nghề nghiệp một cách kỹ càng, đồng thời cập nhật những diễn biến, xu hướng mới của ngành, nghề.
Tuy nhiên, với một số đặc điểm của hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch thì việc ứng dụng hoàn toàn công nghệ thông tin trong tiến trình đạo tạo khó có thể được coi là giải pháp thay thế mà chỉ là giải pháp tình thế. Để ứng phó với việc sinh viên không thể tới trường tham gia các tiết học thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch, thực tập và kiến tập trên những tour, tuyến điểm du lịch… chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp có hiệu quả hơn. Những sự thay đổi trong công tác đào tạo cần thời gian nhất định để nghiên cứu, thí điểm và kiểm định kết quả trước khi áp dụng đại trà. Đối với những môn học đã chứng minh được kết quả khả quan thông qua đào tạo trực tuyến, các cơ sở giáo dục vẫn có thể tiếp tục triển khai giảng dạy thông hình thức này.
7.7. Cập nhật nội dung chương trình đào tạo
Nội dung chương trình đào tạo trực tuyến sẽ được xây dựng theo hướng mở, phù hợp cho nhiều đối tượng. Nhiều chương trình đào tạo truyền thống cũng có thể lồng ghép các nội dung giảng dạy trực tuyến nhằm giải quyết bài toán về thời gian, chi phí và nhân sự đào tạo. Bên cạnh đó, các nội dung đào tạo cũng sẽ tập trung vào mục đích hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng những tiến bộ công nghệ để thực hiện việc du lịch thông minh. Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường tuyển dụng, cần một đội ngũ nhân sự bắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh du lịch. Các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ lồng ghép thêm nhiều kỹ năng về tin học, truyền thông đa phương tiện để người học có được những kỹ năng thiết yếu trong thời đại mới. Cập nhật thường xuyên các kiến thức mới về du lịch thông minh và công nghệ số, nghiệp vụ thương mại điện tử. Bên cạnh đó, để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường tuyển dụng, cá nhân người học cần phải có ý thức tự trau dồi năng lực ngoại ngữ, tin học và tích cực rèn luyện để có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của xã hội thời đại 4.0.
7.8. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo
Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy là một xu thế tất yếu, có vai trò quan trọng và sẽ đem lại lợi ích nhất định cho các cá nhân, tập thể và cho toàn xã hội. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) dự báo: Công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện, có hệ thống và mang tính hội nhập cao vào đầu thế kỉ XXI. Những công nghệ mới sẽ được nghiên cứu và ứng dụng vào trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Thực tế ảo trong đào tạo (Virtual Reality in Education) là một công nghệ mà các cơ sở đào tạo du lịch có thể sử dụng tới trong tương lai. Thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, sinh viên có được trải nghiệm thực tế về các điểm đến du lịch cũng như một số khu vực trong nhà hàng, bếp, khách sạn bằng những mô phỏng 3D hay 4D. Công nghệ VR mang lại cho sinh viên cách tiếp cận dễ hiểu, phong phú và hấp dẫn hơn so với việc học tập thông qua sách, trang web hoặc thậm chí video. Đặc biệt là trong các bối cảnh mà quá trình đi thực tế, thực tập không thể thực hiện được, thì những tác động do sự gián đoạn gây ra cũng được giảm thiểu tối đa.
7.9. Tăng cường bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên
Một trong những nhân tố chủ yếu quyết định sự thành công của giáo dục là đội ngũ giảng viên. Vì vậy để khắc phục các khó khăn trong triển khai đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở bất kì giai đoạn nào cũng cần đặt trọng tâm ở công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và tương lai phát triển dài hạn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, những biện pháp như tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy học cần được thực hiện đều đặn và thường xuyên tại mỗi cơ sở đào tạo. Cụ thể: Bồi dưỡng cho giảng viên chủ động tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến, đào tạo trực tuyến, để vừa nâng cao trình độ, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới, qua đó giúp họ bổ sung kiến thức, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần tích cực xây dựng và cập nhật kho học liệu số dùng chung, gồm bài giảng, giáo trình, để thi điện tử, học liệu số, các phần mềm mô phỏng và các học liệu khác cần thiết. Ngoài ra cần có sự liên kết, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy cho đồng bộ.
7.10. Liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp
Các cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để có những phương án tối ưu trong tổ chức đào tạo nhằm bù đắp phần nào thiếu hụt trong học tập thông qua thực tế do tác động của dịch bệnh. Hiệp hội các doanh nghiệp theo nhóm (lữ hành, khách sạn…) cần bắt tay với các trường để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phục hồi du lịch sau dịch COVID-19: hỗ trợ xây dựng, tối ưu các giáo án điện tử, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia giảng dạy trực tuyến tại các trường. Tận dụng nguồn tài nguyên hiện đang nhàn rỗi do dịch bệnh, tổ chức các webinar, diễn đàn trực tuyến kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên tạo cơ hội được bày tỏ, chia sẻ và tháo gỡ các vướng của các bên và tìm tiếng nói chung trong nỗ lực chung phát triển ngành du lịch. Cần có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia từ doanh nghiệp để cùng tham gia xây dựng bài giảng trong các học phần đào tạo trực tuyến. Các cơ sở đào tạo cần có nhiều giải pháp phối hợp, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chuyên cung cấp công nghệ đào tạo trực tuyến và doanh nghiệp có nhu cầu về nhân lực ứng dụng công nghệ trong vận hành. Các hoạt động này trong giai đoạn dịch bệnh sẽ giúp duy trì kết nối chặt chẽ giữa ba bên. Đặc biệt, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần thực hiện tốt chức năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp nhằm giúp sinh viên giảm bớt các sức ép tâm lý do các tác động của dịch bệnh đến ngành du lịch gây ra.
8. Kết luận
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và là một xu thế, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề phát triển bền vững, đồng thời giúp cải thiện năng suất lao động, cũng như tăng cường khả năng kết nối trong cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng của ngành du lịch thế giới bị kéo lùi về mức độ của năm 1990. Con số thiệt hại về lượng khách và doanh thu gấp 10 lần so với tổn thất mà ngành du lịch thế giới đã phải trải qua do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Nỗi “mất mát”, khó khăn của ngành du lịch trong cơn bão đại dịch COVID-19 là rất lớn và chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nhưng đại dịch COVID-19 cũng là động lực, là cú huých mạnh để ngành du lịch chuyển đổi số. Chuyển đổi số chính là “vacxin” để ngành du lịch sống chung với đại dịch./.
TS. Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội)