Không chỉ ấn tượng với những ngôi chùa có lối kiến trúc cổ kính và lộng lẫy, các lễ hội (LH) cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng cũng mang những giá trị độc đáo. Đặc biệt, nét văn hóa cộng đồng được hình thành trong những LH vừa thể hiện bản sắc đặc thù của văn hóa Khmer, vừa là tài nguyên hấp dẫn để khai thác phát triển du lịch (DL).
Đậm tính cộng đồng
Với bản sắc văn hóa phong phú nên đồng bào dân tộc Khmer có nhiều LH trong năm, và hầu hết đều được tổ chức tại chùa. Mỗi lần diễn ra LH, từ người già đến người trẻ, từ nam thanh đến nữ tú trong phum sóc đều đến chùa để tham gia các nghi lễ, hòa mình vào các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao. Chính vì vậy, LH của đồng bào Khmer không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn thể hiện tính cộng đồng rất rõ nét.
Đặc sắc nhất trong những LH của đồng bào Khmer phải kể đến tết Chôl-chnăm-thmây. Đây là dịp lễ lớn nhất và mang sinh khí rộn ràng nhất nên nhà nhà, người người đều đến chùa để chung vui. Bên cạnh việc lễ Phật, dâng lễ vật lên chùa, tụng kinh chúc mừng năm mới…, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc còn diễn ra các hoạt động đặc sắc với sự tham gia của đông đảo người dân như: rước kiệu lễ vật đi 3 vòng quanh chính điện, đắp núi cát cầu phúc duyên, tắm Phật… Tối là thời điểm rộn ràng nhất, mọi người cùng đến chùa xem biểu diễn dù kê, giao lưu văn nghệ và múa rom-vong theo giai điệu của nhạc ngũ âm.
Cũng trong các dịp LH, nhiều chùa tổ chức đua ghe Ngo thu hút các đội ghe trong phum sóc tham dự và rất đông khán giả gần xa đến cổ vũ góp phần tạo nên sinh khí náo nhiệt. Ngoài ra, có chùa còn tổ chức hội thi làm bánh gừng, bánh ớt nhằm tạo sân chơi cho chị em phụ nữ thể hiện sự khéo tay, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực đặc trưng của người Khmer.
Đồng bào Khmer tham gia rước kiệu lễ vật quanh chính điện chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) trong dịp tết Chôl-chnăm-thmây. Ảnh: H.T
Bảo tồn gắn với khai thác
Những năm qua, các địa phương ở Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng luôn gắng sức bảo tồn những giá trị truyền thống của văn hóa Khmer. Thế nhưng việc khai thác, nhất là phát huy nét văn hóa cộng đồng trong LH Khmer để phát triển DL vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bởi thế, trong những dịp LH thường có rất ít, thậm chí không có sự góp mặt của du khách.
Muốn xây dựng các LH Khmer thành sản phẩm DL không phải việc quá khó, điều này đòi hỏi sự chung tay từ các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc. Trước nhất là làm tốt việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được DL LH không đơn giản là giúp họ phát triển sinh kế, mà còn bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sở VHTTTTDL cần phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ một cách bài bản cho chính quyền địa phương, Ban quản trị chùa Khmer về cách thức tổ chức LH, các hoạt động vui chơi – giải trí, ăn uống phục vụ du khách. Đặc biệt, không thể tổ chức tràn lan mà nên chọn một vài ngôi chùa nổi tiếng, với kiến trúc đẹp, giao thông đi lại thuận tiện để xây dựng thành điểm DL. Ngoài ra, tăng cường quảng bá hình ảnh, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa LH Khmer vào các tua DL để chào bán cho du khách.
Thiết nghĩ, nếu du khách tự tay làm ra những chiếc bánh gừng, bánh ớt, tham gia đua ghe Ngo hay hòa mình vào điệu múa rom-vong cùng với đồng bào Khmer trong LH, chắc chắn họ sẽ có những trải nghiệm thú vị và khó quên. Do đó, tài nguyên DL LH Khmer không nên bị bỏ quên mà cần được kịp thời khai thác để bổ sung cho tỉnh thêm một sản phẩm đặc thù, cũng như góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Hữu Thọ
Báo Bạc Liêu Online – baobaclieu.com.vn – Đăng ngày 09/9/2022