(TITC) – Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa, sự phong phú về tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo cơ hội phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Nằm ở vùng cao biên giới cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có khoảng 19 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo ấy, những năm qua, Hà Giang luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh thông qua bảo tồn, phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Đối với Hà Giang, văn hóa giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần nâng cao trình độ dân trí của các dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc…
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030; đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025… Cùng với đó, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như: tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng nhiều tiếng dân tộc; tập trung tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư; nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố…
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô, dân tộc Dao, dân tộc Tày; truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông, dân tộc Tày; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng Nông thôn mới; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương; lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học với nhiều hình thức phong phú…
Để đạt được những kết quả tích cực trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền, sự hỗ trợ của các cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cũng đã có sự chuyển biến đáng kể.
Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…; cùng với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh chú trọng quan tâm, nhờ đó hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Một số làng văn hóa du lịch thu hút lượng lớn du khách như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc)…
Cùng với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của Hà Giang đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhu cầu khám phá tìm hiểu về văn hóa vùng miền của du khách ngày càng lớn.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang đề nghị, trong thời gian tới cần có chính sách phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời quan tâm, đầu tư phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc; phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; quan tâm đến tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trong đời sống cộng đồng; phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; nâng cao chất lượng các làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với việc giữ gìn văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào…
Trung tâm Thông tin du lịch