Mô hình Homestay Ngọc Liên của ông Nguyễn Ngọc Liên ở thôn Bản Vần, xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên, Yên Bái) được nhiều người biết đến là mô hình du lịch khá thú vị. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, năm 2017, ông Liên đầu tư sửa sang lại nhà cửa để đón khách. Lúc đầu chỉ nhờ những mối quen biết, sau dần khi nhiều người biết đến, ông đã đầu tư cải tạo hệ thống khuôn viên, nhà ở rồi đăng lên Facebook, Zalo để quảng bá; đồng thời, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện, mô hình Homestay của ông Liên có sức chứa khoảng 20 người lưu trú và ăn nghỉ, nhưng ông đang đầu tư xây thêm hệ thống nhà khép kín, bố trí thêm hệ thống không gian tổ chức các hoạt động văn nghệ để đáp ứng nhu cầu khách ở các tỉnh ngoài đến tham quan lưu trú.
Ông Liên cho biết: “Tôi đã nhờ đồng chí công chức văn hóa xã giúp đỡ xây dựng lịch trình các điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn để du khách không cảm thấy nhàm chán và kết hợp giữa hài hòa giữa trải nghiệm với khám phá. Tôi đang đăng ký xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn OCOP để tạo điểm đến thân thiện hơn với du khách”.
Mô hình Homestay của gia đình anh Hoàng Thanh Hiệp ở thôn Bản Vần mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, song cũng để lại nhiều ấn tượng với đông đảo du khách. Do biết tận dụng được không gian cảnh quan, nên hầu như những ngày nghỉ cuối tuần, gia đình anh đều có khách đến thăm quan, lưu trú. Ngoài ngôi nhà sàn với sức chứa khoảng 30 người lưu trú, anh Hiệp còn làm thêm hai chòi nhà nổi trên ao cá để làm nơi đàm đạo, thưởng ẩm thực đồng quê.
Anh Hiệp cho biết: “Mong muốn của tôi là khi mọi người đến, mình sẽ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm. Bởi vậy, tôi đang đầu tư xây thêm một nhà nổi với diện tích khoảng 100 m2 trên ao nuôi cá tạo không gian thân thiện với môi trường cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ cho du khách”.
Xã Việt Hồng nằm trong quần thể Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Vần với các di tích như: Đình Chung, nhà ông Trần Đình Khánh, Hang Dơi và các điểm tham quan, du lịch trải nghiệm như thác Trường Thọ, Ao Sen thôn Bản Nả và nhiều hang động trong khu rừng tự nhiên. Thời gian qua, nhiều hộ đã tập trung phát triển các mô hình du lịch Homestay để thu hút du khách và mỗi năm, xã đón trên 2.000 lượt du khách trong, ngoài tỉnh.
Ông Triệu Khánh Thiện – Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện lựa chọn thôn Bản Nả và Bản Vần là 2 thôn có nhiều ưu thế phù hợp với việc xây dựng mô hình làng bản du lịch Homestay theo mô hình tổng hợp gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng tạo thành các tour du lịch khép kín. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, định hướng phát triển mô hình đến từng hộ dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan về du lịch, lễ tân, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Đến nay, xã có 5 gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng và hiện đã có 2 mô hình du lịch dịch vụ lưu trú Homestay. Xã phấn đấu đến tháng 11/2022 hoàn thành và ra mắt sản phẩm OCOP du lịch thôn Bản Vần.
Với những địa danh lịch sử như: Gò Cọ, Đồng Yếng, đình Vân Hội là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như: thác Vân Hội, thác Vòi Rồng, ngòi Vần, ngòi Lĩnh, ngòi Chanh, ngòi Hạ, thác Quẽ, Ao Xanh, thời gian qua, xã Vân Hội đã xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp để phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Theo đó, UBND xã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để đón khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Ông Trần Đình Kiên – Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết: căn cứ theo mùa, UBND xã chỉ đạo các hộ làm du lịch tập trung khai thác tại các điểm như: Thung lũng hoa tình yêu ở thôn Khe Mon; Sen quê Vân Hội và Thung lũng hoa ven hồ ở thôn Lao Động; nhà nổi Vân Hội và Nhà nghỉ Ao Xanh ở thôn Đồng Chão; đầm sen Vân Hội ở thôn Khe Mon; mô hình du lịch Homestay của ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Minh Phú; đồng thời, UBND xã phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện hỗ trợ kinh phí, tập huấn cách làm, xây dựng các tuor, tuyến khép kín cho các gia đình làm du lịch và phấn đấu năm 2022 đón trên 10.000 lượt du khách; doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt khoảng trên 6,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Huy Mai – Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện Trấn Yên cho biết: “Thiên nhiên ưu đãi, nhiều di tích lịch sử, đa dạng bản sắc văn hóa, có nhiều đặc sản nông nghiệp… là yếu tố quan trọng để Trấn Yên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển du lịch ; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ tiếp đón, hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hộ làm du lịch Homestay; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các tua, tuyến phục vụ du khách.
Thanh Tân
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn