(TITC) – Sau khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, mô hình du lịch cộng đồng được nhiều địa phương tập trung đẩy mạnh để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa bản địa.
Du lịch cộng đồng được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa.
Hiện nay, tại nhiều địa phương đã triển khai những mô hình du lịch cộng đồng thành công, trong đó nổi bật là ở những tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai,… Các làng du lịch cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế như: làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, Pả Vi, Du Già (tỉnh Hà Giang); bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải (tỉnh Lai Châu); bản du lịch cộng đồng Bản Hồ, Cát Cát (tỉnh Lào Cai)…
Kể từ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách đã thay đổi, thiên về gần gũi thiên nhiên, đi theo nhóm nhỏ, vì thế loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình sáng tạo. Ở Hà Nội, du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh đang được khai thác. Bên cạnh những khu du lịch cộng đồng nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)…, Hà Nội cũng hình thành các điểm du lịch cộng đồng mới là du lịch gắn với nông nghiệp tại xã Ba Trại, du lịch chăm sóc sức khỏe tắm lá thuốc của người Dao thuộc huyện Ba Vì…
Bên cạnh đó, ở tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân làng chài ven biển làm dịch vụ đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn. Tỉnh Thanh Hóa hình thành nhiều làng du lịch cộng đồng mới của dân tộc Thái tại Pù Luông, bản Mạ. Tại Tuyên Quang, nhiều khu du lịch cộng đồng mới của người Tày ở Lâm Bình được hình thành, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng thực sự phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất là phát huy được sức mạnh, ý chí của cộng đồng dân cư bản địa trong việc đồng thuận cùng làm du lịch. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng những khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có chiến lược, kế hoạch hướng dẫn, đào tạo bà con các kỹ năng làm du lịch, dịch vụ. Đồng thời, các địa phương cần có chiến lược phát triển chung trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho người dân; hài hòa được yếu tố phát triển với giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan.
Trung tâm Thông tin du lịch