Tổng quan về Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN

(TITC) – Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN được đề ra nhằm hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần vào sự phát triển bền vững của các thành phố trong ASEAN.

Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN (ACTCS) nhằm cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN một công cụ cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch tại các thành phố, tăng cường năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch, đồng thời tạo sinh kế giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống.

Những tiêu chuẩn này được đề ra nhằm hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần vào sự phát triển bền vững của các thành phố trong ASEAN. Trước đó, Kế hoạch chiến lược du lịch của ASEAN giai đoạn 2011 – 2015 (ATSP) đã chỉ ra rằng việc giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra là một trong những ưu tiên trong quá trình hoàn thành các mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất của ngành du lịch.

Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN được xây dựng dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá mức độ bền vững của các thành phố ASEAN hiện nay, trong đó có đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch ở các thành phố này, đồng thời xác định các lĩnh vực cần được cải thiện. Bộ tiêu chuẩn này sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên khung tham chiếu nhằm nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch, thu hút được nhiều khách du lịch hơn và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.

Du lịch Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch được coi là một trong các lĩnh vực chính giúp phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Mục tiêu phát triển kinh tế không đơn thuần là tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà hướng tới cải thiện và ngày càng nâng cao cả về mức độ và chất lượng đời sống của người dân. Nghĩa là, tốc độ tăng trưởng không phải là một thước đo hoàn hảo để đánh giá toàn diện về cải thiện mức sống. Dù có thể không toàn diện thì tốc độ tăng trưởng vẫn là một tiêu chí cần thiết.

Trong tất cả các xã hội, quá trình tiến bộ kinh tế xã hội không thể thiếu sự tăng trưởng về việc làm, thu nhập và của cải. Vì vậy, cả mức độ và chất lượng tăng trưởng đều đóng vai trò quan trọng.

Mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra sự tăng trưởng LỚN – tức là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ mà vẫn hài hòa với các tiêu chí bền vững và ổn định, tránh việc mất cân bằng, đồng thời đảm bảo yếu tố XANH – tức là đảm bảo sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, tăng trưởng xanh được hiểu là một hình mẫu mới giúp thúc đẩy nhanh hơn và lan tỏa hơn nữa những tiến bộ về kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Du lịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được toàn diện cả về chất và lượng của tăng trưởng.

Trong bối cảnh rất nhiều thành phố trong khu vực đã phát triển mạnh mẽ, thì một số thành phố mới nổi lên như những điểm đến du lịch. Đây là cơ hội lý tưởng để khuyến khích các thành phố phát triển thành những cửa ngõ đầu tiên chào đón khách du lịch đến với quốc gia mình. Sự phát triển của du lịch quốc gia và khu vực có vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng tầm thương hiệu, uy tín của các thành phố sở hữu sức cuốn hút từ văn hóa, tự nhiên và nhân tạo trở thành bộ mặt của đất nước.

Điều quan trọng mang tính chiến lược là các thành phố cần nỗ lực tạo dựng các khu vực có cảnh quan đẹp; cải thiện vệ sinh, môi trường và không gian đô thị; và quảng bá các điểm du lịch. Đô thị là nơi tập trung nhiều điểm du lịch và tiếp giáp với các thành phố lân cận, nên chắc chắn cần đề cao sự tiếp đón và lòng hiếu khách. Để phát triển du lịch và đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan, chính quyền thành phố phải quyết liệt cải thiện các khía cạnh môi trường và tiêu chuẩn sống trên địa bàn mình. Vì vậy, việc giới thiệu và thiết lập các tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN là cần thiết, cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN các tiêu chí cơ bản cần đạt được để làm khách du lịch hài lòng hơn, gia tăng số lượng khách đến tham quan, từ đó cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương.

ASEAN gồm 10 quốc gia với mức độ phát triển du lịch khác nhau, số lượng và phân khúc nhóm khách du lịch khác nhau, tác động của du lịch đổi với nền kinh tế và môi trường khác nhau, và thể chế chính trị với những chính sách, quy định, điều luật khác nhau. Vì vậy, để thực hiện ACTCS thành công và hữu ích với mỗi quốc gia, những tiêu chí lựa chọn để đánh giá chuẩn của khu vực cần: cơ bản phù hợp với mọi quốc gia thành viên, được đa số các quốc gia thành viên đồng ý, linh hoạt, dễ đánh giá và kiểm soát.

Bộ tiêu chuẩn tập trung vào những thành phố du lịch thu hút khách và sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa, tự nhiên và/hoặc nhân tạo. Những tiêu chí được dùng để đánh giá trong Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN dựa trên các tiêu chỉ sau: quản lý môi trường, vệ sinh, quản lý rác thải, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh, không gian xanh, an toàn y tế và an ninh an toàn trong đô thị, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch.

Xem tài liệu Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top
Send this to a friend